Văn hoá doanh nghiệp “soi đường” cho phát triển bền vững

Văn hoá doanh nghiệp là “phần hồn” tạo dựng thương hiệu

Hiện cả nước có trên 920.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 172 doanh nghiệp tầm cỡ, với 325.000 sản phẩm, thương hiệu quốc gia, nhiều thương hiệu đã vươn mình ra thế giới.

Vì thế, có cơ sở để thực hiện mục tiêu Chính phủ đưa ra là đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tháng 10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41). Trong đó, Nghị quyết 41 đưa ra nhiệm vụ về xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phải lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội…

Thực hiện các mục tiêu này, nhiều bộ, ngành đã xây dựng và triển khai chương trình hành động. Mới đây, một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 đưa ra là xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, văn hoá doanh nghiệp được coi là tài sản tinh thần, là “phần hồn” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm phát huy giá trị văn hoá đạo đức, tinh thần tiên phong tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng, liêm chính trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Các bộ, ngành, địa phương và tổ chức hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường; thượng tôn pháp luật.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Tiến tới hình thành triết lý kinh doanh Việt Nam

Nghị quyết 41 là văn bản thứ ba mà Đảng dành cho giới doanh nhân. Đầu tiên là thư của Bác Hồ gửi giới Công Thương vào tháng 10/1945, sau đó, năm 2011 có Nghị quyết 09-NQ/TW và năm 2023 là Nghị quyết 41. Điều này cho thấy Đảng rất quyết tâm, kiên định phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết 41 đã nêu rõ, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Vì thế, để thực thi Nghị quyết thành công, 3 mục tiêu cần đạt được là: đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đảm đương vai trò nòng cốt; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi - bình đẳng; định hình văn hóa kinh doanh nhất quán, thống nhất trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Trong đó, việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ và yêu cầu mới, nhưng cũng rất cấp bách và lâu dài, mang tính chiến lược trong thời kỳ hiện nay khi nước ta đang hướng tới mục tiêu tới năm 2045 trở thành quốc gia phát triển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng VCCI đang xây dựng Đề án quốc gia về văn hóa kinh doanh và sẽ trình Chính phủ vào năm 2025. Doanh nhân Việt Nam phải có chung một hệ giá trị, tư tưởng kinh doanh nhằm tạo ra giá trị cho xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Có thể nói, xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công, “văn hóa soi đường doanh nhân đi”. Điều quan trọng là cần tạo ra đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, bền vững; doanh nghiệp lớn mạnh thì mới có sức cạnh tranh trên thế giới, giúp hàng hóa Việt Nam lan tỏa toàn cầu... Vì vậy, chúng ta cần xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị kinh doanh của người Việt, thậm chí đưa ra nguyên tắc cái gì cần làm và không được làm. Năm 2022, VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức kinh doanh, còn 6 điều không được làm đang được VCCI tiếp tục hoàn thiện, thậm chí có thể tiến tới hình thành triết lý kinh doanh Việt Nam.

Ngoài ra, phải đào tạo đội ngũ doanh nhân làm ăn một cách bài bản, chuyên nghiệp, không để doanh nhân “tự bơi” trên thương trường. Vì thế, mục tiêu đến năm 2030 VCCI sẽ hình thành các chương trình đào tạo doanh nhân cao cấp dành cho khoảng 500 lãnh đạo cao cấp và 5.000 đội ngũ kế cận của các doanh nghiệp lớn; ngoài ra, đào tạo khoảng 200.000 nhân sự doanh nghiệp nhỏ và vừa.

NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam: Yếu tố quyết định cạnh tranh, tồn tại

Trong bối cảnh hiện nay, văn hoá doanh nghiệp đã trở thành yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của kinh doanh. Hơn nữa, văn hoá doanh nghiệp quy tụ sức mạnh của toàn thể cán bộ, nhân viên trong công ty, giúp thu hút và giữ được nhân tài, củng cố sự gắn bó đoàn kết và khuyến khích khả năng sáng tạo vượt trội giúp tổ chức ngày càng vững mạnh, qua đó tạo ra sự đoàn kết, sự cam kết, sự sáng tạo, không chỉ làm tăng hiệu suất lao động mà còn tăng giá trị thương hiệu và động viên sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp nếu thiếu đi yếu tố văn hóa rất khó có thể đứng vững, tồn tại, thịnh vượng trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Minh Chi (ghi)

Còn tại VCCI, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 cũng đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông khích lệ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng, lan toả đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua lan toả những bài học, những gương doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân đã được trao tặng Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”.

Trục xuyên tâm cho phát triển bền vững

Với những mục tiêu và nhiệm vụ được các cấp, các ngành đề ra, doanh nghiệp Việt Nam đều đang nỗ lực thực hiện để văn hoá kinh doanh là nền tảng cho những bước phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho biết, văn hoá doanh nghiệp là trục xuyên tâm để phát triển bền vững. “Từ văn hoá kinh doanh trung thực và có đạo đức, chúng tôi đã xây dựng nên văn hoá doanh nghiệp riêng của mình”, ông Phạm Hồng Điệp nêu rõ.

Hiện Shinec đã có gần 23 năm xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp tàu thuỷ, đến phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Theo ông Phạm Hồng Điệp, dù trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào, Shinec cùng đều luôn lấy yếu tố đặt lợi ích của đối tác, bạn hàng lên hàng đầu. Nhờ đó, Shinec đã đạt được nhiều bước tiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh hạ tầng.

Còn theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố giúp MISA gắn kết nguồn lực trong tổ chức, quy tụ tất cả chung một chí hướng, chung một khát vọng. MISA đã xây nên 10 quy tắc ứng xử bên ngoài và 8 quy tắc ứng xử nội bộ, giúp người MISA rèn luyện thói quen văn hóa tốt, xây dựng môi trường làm việc học hỏi, chủ động, sáng tạo và hành động có trách nhiệm. Bà Thuý cũng nhấn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn bắt đầu từ tấm gương văn hóa, đạo đức của người đứng đầu.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam – PV GAS) cho biết, yêu cầu về xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm nhằm giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh, tạo bản sắc văn hóa riêng, đồng thời xây dựng môi trường làm việc tích cực, hiệu quả, giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực bản thân, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Hay trong báo cáo mới đây về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, 38/38 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở. Nhiều doanh nghiệp xây dựng được nội dung, thiết chế văn hóa doanh nghiệp với nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện cụ thể theo ngành/lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này là một trong những nét đặc trưng tạo nên thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tiếp tục đi đầu trong thực hiện công tác an sinh xã hội...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ, công chức, viên chức suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Nên thời gian qua đã có nhiều đại án lớn liên quan đến doanh nghiệp bị phát hiện và khởi tố. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp giải thể những tháng đầu năm 2024 vẫn ở mức cao, là chỉ dấu cho thấy sự chưa bền vững của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Nhưng đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nên tiếp tục thúc đẩy phát triển văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là giải pháp quan trọng. Theo các chuyên gia, cùng với việc tuân thủ theo các quy định và quy tắc đặt ra, doanh nghiệp và doanh nhân cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức hơn nữa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giải pháp hỗ trợ, đưa các chính sách vào thực thi hiệu quả để giúp các doanh nhân không “sai đường”, từ đó xây dựng doanh nghiệp với nền móng văn hoá bền vững, hỗ trợ tích cực cho công cuộc hội nhập quốc tế.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn