Hai phiên đấu thầu thành công liên tiếp

Hoạt động đấu thầu vàng diễn ra trong tuần qua với 3 phiên đấu thầu liên tiếp đã diễn ra thành công (bao gồm 1 phiên cuối tuần trước và 2 phiên trong tuần này).

Đồng thời, khối lượng trúng thầu và số lượng thành viên trúng thầu cũng tăng. Cụ thể, phiên đấu thầu tuần trước tuy diễn ra thành công, nhưng chỉ có 3 thành viên trúng thầu và khối lượng trúng thầu chỉ đạt 3,4 nghìn lượng vàng, tương ứng với khoảng 20% khối lượng vàng đưa ra đấu thầu.

Tuy nhiên, diễn biến các phiên đấu thầu tuần này đã có nhiều thay đổi. Phiên đấu thầu diễn ra hôm 14/5 đã có 8 thành viên trúng thầu. Khối lượng trúng thầu là 81 lô, tương ứng với 8,1 nghìn lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.

Vẫn mắc trong việc ghìm cương giá vàng, tỷ giá hạ nhiệt
Giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn so với thế giới. Ảnh: T.L

Tiếp đó, phiên đấu thầu ngày 16/5 đã có 11 thành viên đã trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 123 lô, tương đương 12,3 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng. Theo đó, phiên đấu thầu ngày 16/5 đã tăng thêm 3 thành viên trúng thầu và khối lượng trúng thầu cũng tăng thêm 4,2 nghìn lượng vàng.

Một trong những lý do khiến cho các phiên đấu thầu gần đây dễ thành công hơn so với thời gian đầu là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm khối lượng dự thầu tối thiểu xuống 700 lượng và sau đó giảm tiếp xuống chỉ còn 500 lượng vàng, nâng khối lượng dự thầu tối đa lên 4 nghìn lượng vàng. Trước đó trong những phiên đấu thầu thời gian đầu, khối lượng dự thầu tối thiểu là 1,4 nghìn lượng vàng và tối đa là 2 nghìn lượng vàng.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ

Tuần qua, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Nội dung Thông báo yêu cầu NHNN phải tiếp tục chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao, bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn, đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền phát sinh.

Nhiều bộ ngành cùng vào cuộc để quản lý thị trường vàng

Thông báo 221/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ cho biết, các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường…

Các cơ quan tăng cường thực hiện ngay các biện pháp kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bình ổn thị trường vàng, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm.

Về phía NHNN, cơ quan này cho biết, để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, tại các địa điểm mua, bán vàng và thực hiện báo cáo nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng.

Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, NHNN cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho biết, việc quản lý thị trường vàng có thể học tập một số quốc gia. Ví dụ Trung Quốc họ có trung tâm lưu ký vàng, và họ đã thực hiện vận hành sàn giao dịch vàng vật chất tập trung.

Tỷ giá hạ nhiệt

Tỷ giá trong tuần qua đã có tín hiệu hạ nhiệt ít nhiều dù vẫn còn ở mặt bằng khá cao nếu so với giai đoạn đầu năm.

Vẫn mắc trong việc ghìm cương giá vàng, tỷ giá hạ nhiệt
Tỷ giá hạ nhiệt nhưng chưa cho thấy sự bền vững. Ảnh: T.L

Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hôm thứ hai đầu tuần là 24.266 đồng/USD, giảm 5 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Tiếp đó, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm dần về cuối tuần và kết thúc tuần ở mức 24.239 đồng/USD, giảm 27 đồng so với đầu tuần và giảm 32 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra của Vietcombank hôm đầu tuần là 25.479 đồng/USD, giảm 5 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Sau đó, Vietcombank có điều chỉnh tỷ giá tăng nhẹ chút ít vào ngày thứ ba, nhưng lại giảm vào các ngày cuối tuần, chốt hôm thứ sáu cuối tuần ở mức 25.450 đồng/USD.

Mặc dù tỷ giá đã hạ nhiệt chút ít, nhưng tỷ giá hiện vẫn là chủ đề đáng quan tâm của giới kinh doanh và diễn biến tỷ giá trong giai đoạn tới cũng sẽ vẫn là ẩn số. Tại buổi tọa đàm đối thoại chính sách do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức trong tuần, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế độc lập cho biết, tỷ giá từ giờ đến cuối năm sẽ có nhiều biến số, trong đó đáng chú ý là yếu tố kinh tế ấm dần lên dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sẽ tăng.

Tọa đàm về tài chính vi mô

Một trong những sự kiện tài chính tiền tệ diễn ra tuần qua là việc NHNN đã tổ chức Tọa đàm “Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện - thực trạng và giải pháp”.

NHNN cho biết, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khu vực tài chính vi mô đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện tại, có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô ngày càng đa dạng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, qua đó tăng tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân.