Vẫn “nóng” chuyện chia cổ tức mùa ĐHĐCĐ ngân hàng 2025

Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi, nhưng không chia cổ tức

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ vừa công bố, ABBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, tổng tài sản đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với mức 779 tỷ đồng đạt được của năm 2024.

Tuy nhiên, dù năm 2024, ABBank đạt hơn 627 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sau khi trích lập các quỹ và cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, ABBank có hơn 2.311 tỷ đồng lợi nhuận còn lại chưa phân phối, nhưng HĐQT trình cổ đông để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại này nhằm bổ sung vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ABBank cũng không chia cổ tức với lý do tương tự. Lãnh đạo ABBank khi ấy đã bày tỏ mong muốn sự “kiên nhẫn” từ cổ đông để ngân hàng sớm gặt “quả ngọt”.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của ABBank dự kiến được tổ chức vào ngày 18/4/2025 tại Hà Nội.

Một ngân hàng khác cũng dự kiến không chia cổ tức là SeABank. Với kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 25/4/2025, HĐQT SeABank sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2024.

Lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của SeABank là 3.625 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ là gần 3.744 tỷ đồng.

HĐQT SeABank dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 sẽ được giữ lại, không chia cổ tức trong năm 2025 nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong năm 2025, SeABank tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 28.450 tỷ đồng lên 28.650 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của năm 2025.

Hơn nữa, ngân hàng này dự kiến mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (Asean Securities), đưa công ty chứng khoán có vốn điều lệ 1.500 tỷ  này trở thành công ty con của ngân hàng.

Trước đó, năm 2024, ĐHĐCĐ SeABank đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ hơn 13%.

Cổ đông nhiều ngân hàng vẫn “ê hề” cổ tức

Tuy nhiên, 2 ngân hàng nêu trên có thể thuộc số ít ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay, bởi tài liệu đã công bố và dự kiến của nhiều ngân hàng cho thấy các kế hoạch chia cổ tức ở mức khá cao.

Tại ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào ngày 22/4/2025, OCB dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, tương đương với quy mô 1.726 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, OCB chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ.

OCB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng bằng cách phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. 

Theo chương trình ĐHĐCĐ dự kiến vào ngày 8/4/2025, ACB cũng tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 lên 51.366 tỷ đồng.

Ngoài ra, ACB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Quy mô tương đương 4.466 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp ACB thực hiện chính sách cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Năm 2026, ngân hàng này cũng dự kiến duy trì việc chia cổ tức gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.

Với ĐHĐCĐ vào ngày 21/4/2025, HĐQT MSB sẽ trình cổ đông thông qua dự kiến phát hành thêm tối đa 520 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chia cổ tức với tỷ lệ 20% từ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức, qua đó vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ mức 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.

Hiện nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ, nhưng theo dự đoán từ giới chuyên gia và các tuyên bố của lãnh đạo ngân hàng thì dự kiến mức chi trả cổ tức tại nhiều ngân hàng ở mức cao.

Chẳng hạn, sau khoảng chục năm không chia cổ tức tiền mặt với lý do giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh, đến năm 2024, Techcombank đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn, với mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận hàng năm.

Lãnh đạo VPBank cũng đã tuyên bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm 2024, VPBank đã chi 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

MB cũng đã liên tiếp trả cổ tức nên nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng phương án trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025. Năm 2024, MB đã chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.

Cuối tháng 3 vừa qua, ĐHĐCĐ VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. 

ĐHĐCĐ Nam Á Bank cũng đã thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ thêm hơn 4.281 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP).

Trong đó, ngân hàng dự định phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn