Vàng, bitcoin tăng giá kỷ lục; các vấn đề nóng mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Đầu tư vào đâu khi các tài sản cùng “dắt tay” tăng mạnh?

Trong khi tiền gửi tiết kiệm đang chạm đáy, thì vàng và bitcoin lập kỷ lục mới, USD đi lên, VN-Index tăng gần 12% kể từ đầu năm đến nay, giá nhà chung cư nóng từng ngày.

Giữa tuần này, giá vàng thế giới đã lập đỉnh lịch sử 2.141 USD/ounce. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 6 đã kéo giá vàng đi lên. Nhiều chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ sớm đạt 2.300 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC cũng lập mức kỷ lục 81 triệu đồng/lượng.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài nguyên nhân tăng theo giá vàng thế giới, thì giá vàng trong nước tăng còn do một số yếu tố khác như trào lưu mua vàng, lãi suất thấp, trong khi bất động sản vẫn trầm lắng…

Cùng với vàng, tiền ảo lớn nhất thế giới là Bitcoin (BTC) cũng đang phục hồi mạnh mẽ, đạt mức kỷ lục mọi thời đại, 69.200 USD/BTC đầu tuần này. Đến giữa tuần, do động thái chốt lời mạnh, Bitcoin giảm còn 63.400 USD/BTC, song vẫn tăng 50% so với đầu năm. Với mỗi BTC, nhà đầu tư thu lời hơn nửa tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Mặc dù tiền số có tỷ lệ sinh lời cao vượt trội, nhưng đây là kênh đầu tư vô cùng rủi ro và không phù hợp với đa số nhà đầu tư.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, vàng và tiền mã hóa là hai nhóm tài sản khác nhau, vừa cạnh tranh, vừa hỗ trợ lẫn nhau.

“Sự trỗi dậy của thị trường tiền mã hóa gần đây không ảnh hưởng đến vị thế của vàng. Có thể các nhà đầu tư sẽ nắm giữ nhiều vào tiền số, nhưng về tổng thể, vàng vẫn là kênh đầu tư lớn. Phần lớn nhà đầu tư sẽ lựa chọn mua vàng, chứ không phải tiền mã hóa. Ngân hàng trung ương các nước cũng không mua tiền mã hóa. Chính vì vậy, dù tiền mã hóa có tăng lên, song đây là tài sản khác biệt với vàng và không thể đe dọa vị thế của vàng”, ông Shaokai Fan khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, năm 2024, vàng có triển vọng sáng sủa do Fed có thể giảm lãi suất, cộng thêm lực mua ròng mạnh mẽ từ khối ngân hàng trung ương các nước dự báo vẫn tiếp diễn.

Mặc dù vậy, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, vàng không phù hợp đầu tư ngắn hạn. Nhà đầu tư chỉ nên giữ vàng trong trung, dài hạn và cần cẩn trọng với vàng miếng SJC do chênh lệch quá cao so với giá thế giới.

Ngoài vàng, tiền ảo, USD cũng đang tăng nóng. Đầu tuần này, giá USD bán ra tại các ngân hàng chạm mốc 25.000 đồng/USD, trong khi giá USD trên thị trường tự do vọt tăng tới 25.600 đồng/USD.

Dù vậy, so với đầu năm, tỷ giá trong nước chỉ tăng 1,7%. Đây là mức biến động rất nhỏ so với các kênh đầu tư khác. Vì vậy, tương tự gửi tiết kiệm, USD không phải là kênh đầu tư hấp dẫn lúc này.  

Trong các kênh đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có lẽ là kênh ảm đạm nhất lúc này. Dù lãi suất cao gấp đôi so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhưng thị trường TPDN vẫn kém sôi động. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, chỉ có 3 đợt phát hành TPDN trong tháng 2/2024, với tổng giá trị 1.165 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, phải đến nửa cuối năm nay, thị trường TPDN mới có thể khởi sắc.

Ngược lại, thị trường chứng khoán đang rất hưng phấn, VN-Index đã tăng gần 12% kể từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân do niềm tin của nhà đầu tư được củng cố sau khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp, lãi suất thấp kỷ lục, kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi; sản xuất, kinh doanh của một số ngành đang dần đi lên…

Theo ông Phan Dũng Khánh, chứng khoán bắt đầu đi lên từ tháng 12/2023 và là một trong các kênh đầu tư tốt nhất lúc này. Thậm chí, lãnh đạo một số công ty chứng khoán còn dự báo, VN-Index có thể đạt hơn 1.300 điểm trong năm nay.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường (CTCP Chứng khoán VPBankS) cho rằng, có nhiều yếu tố hỗ trợ sự phục hồi của thị trường chứng khoán như: thị trường chứng khoán quốc tế tăng điểm; khả năng Fed hạ lãi suất; Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới lỏng lãi suất sớm; quyết tâm nâng hạng thị trường… 

Với thị trường bất động sản, sự phục hồi bắt đầu ghi nhận vào cuối năm ngoái, song chỉ ở vài phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong khi căn hộ tại TP.HCM cũng bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá trở lại. Nguyên nhân chính khiến phân khúc căn hộ chung cư tăng mạnh là do nguồn cung sụt giảm vì vướng mắc pháp lý. Nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội năm 2023 giảm khoảng 31% so với năm trước, còn tại TP.HCM giảm hơn 50%. Số lượng Dự án bất động sản được phê duyệt ngày càng khan hiếm đang đẩy giá nhà tăng cao. Theo dự đoán của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là phân khúc bình dân, trung cấp. 

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trước, sau đó dòng tiền mới chảy vào bất động sản. Sẽ mất ít nhất 2-3 năm, thị trường bất động sản mới có thể hồi phục trở lại, trước hết ở các phân khúc có nhu cầu thực như nhà phố ở trung tâm, căn hộ chung cư ở trung tâm. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền ngoại thành hoặc tỉnh lẻ hồi phục chậm hơn, phải 3-5 năm sau mới có hy vọng sôi động trở lại.

Yêu cầu rà soát thuế các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng bạc

Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát, phát hiện các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế.

Trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Để triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Đồng thời, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, Quản lý thị trường, ngân hàng, Hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – Tổng cục Thuế chỉ đạo. 

Phát hành ảm đạm, doanh nghiệp vẫn chi gần 10.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là gần 6.000 tỷ đồng trong khi trái phiếu mua lại trước hạn gần 10.000 tỷ đồng.

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 01/03/2024, có 3 đợt phát hành TPDN trong tháng 2/2024 với tổng giá trị 1.165 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 5,965 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 44,4% tổng giá trị phát hành) và 6 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 3.315 tỷ đồng (chiếm 55,6% tổng số).

Trong khi phát hành TPDN ảm đạm thì doanh nghiệp vẫn tích cực mua lại trước hạn. Trong tháng 2/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 2.338 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 9.882 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023. bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 55,7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 4.516 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 257.449 tỷ đồng. 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 98.933 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.496 tỷ đồng (chiếm 21%).

Sắp tới, sẽ có hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đáng chú ý từ Công ty Cổ phần chứng khoán Rồng Việt và Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa: 

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đã thông qua phương án phát hành trái phiếu trong quý I năm 2024 với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 3 năm. Lãi suất cố định 11%/năm trong 2 kỳ đầu; ở các kỳ còn lại, lãi suất = tham chiếu+ 3,85%/năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đã thông qua phương án phát hành trái phiếu trong quý I năm 2024 với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 3 năm. Lãi suất cố định 11%/năm trong 2 kỳ đầu; ở các kỳ còn lại, lãi suất = tham chiếu+ 3,85%/năm.

Cổ tức, tăng vốn, nợ xấu... “dậy sóng” mùa đại hội

Tỷ lệ cổ tức, bài toán tăng vốn, gánh nặng nợ xấu, mục tiêu lợi nhuận… là những vấn đề nóng được đặt ra tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay.

Vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu mùa đại hội đồng cổ đông năm nay là lợi nhuận ngân hàng. Năm nay, phần lớn nhà băng tỏ ra dè dặt với mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhiều nguồn thu bị bó hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ kênh bancassurance. Tuy vậy, cũng có vài ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng đột phá.

Vietcombank - quán quân lợi nhuận năm 2023 - đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. Trong khi đó, các “ông lớn” còn lại là VietinBank, BIDV, Agribank vẫn để ngỏ mục tiêu này.

Với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, một số ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao. Chẳng hạn, MB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng khoảng 14%, HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. Riêng Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên tới hơn 83% (đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Sacombank chưa công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2024, song được SSI Research dự đoán lợi nhuận tăng 27%.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư HDBank cho hay, các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của ngân hàng năm nay là chi phí vốn giảm trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm nhanh, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng trong năm 2024 dự kiến kiểm soát tốt hơn trước… Ngoài ra, hầu hết dự báo của chuyên gia đều cho thấy, kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm trước, từ đó giúp thu nhập của người dân và doanh nghiệp gia tăng, nên cải thiện khả năng trả nợ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân (Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu ngân hàng bị thu hẹp, đặc biệt thị trường bán chéo bảo hiểm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 vẫn phải trông chờ vào tín dụng. Do đó, yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 là chi phí vốn. Ngân hàng nào có CASA cao, kéo giá vốn và lãi vay thấp xuống sẽ có cơ hội cải thiện lợi nhuận. Ngược lại, các ngân hàng vẫn phải duy trì giá vốn cao sẽ giảm sức cạnh tranh, khó tăng lợi nhuận trong năm nay.

Cổ tức cũng là vấn đề cổ đông đặc biệt quan tâm tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay. Ông Trần Thế Minh cho rằng, năm nay, nhiều ngân hàng có thể lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, số ngân hàng dự tính chia cổ tức tiền mặt không nhiều. Đầu năm nay, lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ đề xuất chính sách cổ tức dài hạn để trình đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 sắp tới. Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế - tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng tại thời điểm đầu năm.

Trước đó, VPBank cũng tuyên bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp từ nguồn lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng, bắt đầu từ năm 2023. Nhiều khả năng, VPBank sẽ tiếp tục đề xuất chính sách chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt.

Đầu năm nay, VIB đã chi hơn 1.500 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%.

Ngoài VIB, một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2023, như ACB (10%), TPBank (25%), HDBank (10%), MB (5%)… Cổ đông kỳ vọng, các ngân hàng này sẽ tiếp tục trình đại hội đồng cổ đông năm nay kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Dù vậy, với đại đa số ngân hàng, cổ tức năm nay vẫn sẽ được chia bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Mới đây, VietinBank công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 (chia cổ tức bằng cổ phiếu). Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng này đã kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Vietcombank chưa công bố cụ thể phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo kế hoạch, đại hội đồng cổ đông ngân hàng này, tổ chức ngày 27/4, sẽ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023.

Tương tự, nhiều ngân hàng khác vừa thực hiện xong việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (PGBank, Saigonbank…) và đang lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 để tăng vốn.

Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV mới đây đề nghị Chính phủ cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.

Một vấn đề nóng nữa được cổ đông quan tâm tại đại hội đồng cổ đông là nợ xấu. Kết thúc năm 2023, khoảng 80% ngân hàng thương mại trong toàn hệ thống đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng so với đầu năm, trong đó, 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%.

Theo Trung tâm Phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm nay, nhiều khả năng, các ngân hàng vẫn sẽ phải gánh mức trích lập dự phòng cao như năm 2023. Nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sắp hết hiệu lực… đang đe dọa bức tranh tài chính ngân hàng năm nay, cũng như đặt ra nhiều áp lực cho lãnh đạo ngân hàng.

Kỳ vọng sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng Nhà nước tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, nhất là thị trường vàng miếng, thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý I/2024 và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 2/1/2024.

Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.

Theo đó, Thống đốc ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ ký quyết định thành lập Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu. Trách nhiệm của Chi cục Quản trị tại TP.HCM và Chi cục Phát hành Kho quỹ là gửi danh sách cán bộ tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước cho Vụ Kiểm toán nội bộ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước và Quy chế Quản lý khuôn sản xuất vàng miếng, máy dập vàng miếng và giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu không phải của Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt Quy chế Giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước…

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Công văn số 10064/NHNN-TTGSNH liên quan việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đánh giá về động thái trên của Ngân hàng Nhà nước, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, đây là bước chuẩn bị để Ngân hàng Nhà nước nhập nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thi trường.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, các chỉ đạo trên mới là một bước nhỏ về mặt thủ tục để có thể can thiệp thị trường nhằm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, trong khi việc sửa đổi Nghị định 24 như thế nào mới quan trọng. VGTA có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hoá nguồn cung.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, Nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, cần phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhưng phải làm sao để đảm bảo được quyền lợi của người dân, không để giá vàng trong nước quá cao so với thế giới. Nói cách khác, có nhiều thương hiệu vàng miếng hay không, thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thị trường kỳ vọng sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng. Nhưng giới phân tích nhận định, việc sửa đổi Nghị định 24 cần nhiều thời gian, vì còn phải lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.

Trước mắt, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mong Ngân hàng Nhà nước sớm tăng nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới theo nhu chỉ đạo của Thủ tướng và sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới, thu hẹp chênh lệch giá.

Xem thêm tại baodautu.vn