Những con số thiệt hại
Ngày 7/9/2024, bão Yagi đổ bộ vào địa bàn Quảng Ninh - tỉnh chiếm 90% trữ lượng than cả nước. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền, gây ra thiệt hại rất lớn đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành than nói riêng.
Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), bão Yagi đã gây mất điện lưới, phải dừng sản xuất 5 ngày, huy động 30 - 40% công nhân đi làm khắc phục sự cố, không có sản phẩm; gây thiệt hại cây trồng cải tạo phục hồi môi trường ở các bãi thải mỏ với tổng diện tích gần 1.385 ha. Bão còn gây hư hỏng một số trạm điện, trạm xử lý nước thải mỏ; một số kho than bị bung tốc bạt che chắn than, ước khoảng hơn 650.000 m2; các phân xưởng, kho tàng bị hư hại, bung tốc mái khoảng 230.000 m2; đổ trên 4.000 m tường rào; sạt lở đường giao thông, tường kè…
Ông Đoàn Đắc Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin (mã NBC) cho biết, trong quý II và quý III/2024, thời tiết bất lợi, mưa lớn dài ngày, đặc biệt là trong tháng 9, Công ty chịu thiệt hại rất lớn từ cơn bão Yagi, dẫn tới dừng sản xuất dài ngày. Bên cạnh đó, chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than giảm, khiến kết quả sản xuất - kinh doanh lao dốc.
Trong quý III/2024, doanh thu của Than Núi Béo giảm 61% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 347,6 tỷ đồng. Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 32,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Than Núi Béo lỗ gần 71,5 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối tháng 9 âm 33 tỷ đồng.
Tương tự, bão Yagi đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin (mã TVD), gây mất điện lưới, ngập các đường lò, nhiều nhà xưởng, nhà làm việc của các công trường, phân xưởng bị tốc mái… Công ty phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh: quý III/2024 lỗ 57,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 10,4 tỷ đồng. Kết quả này khiến lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 của Than Vàng Danh chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Công ty cổ phần Than Cao Sơn - TKV (mã CST), sản lượng than tiêu thụ trong quý III/2024 giảm 211.385 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến doanh thu giảm 17%, về mức 1.782,5 tỷ đồng. Thêm vào đó, các giải pháp xử lý sự cố và khắc phục hậu quả sau bão Yagi làm tăng chi phí, gián đoạn sản xuất, kinh doanh dưới giá vốn, khiến Than Cao Sơn có quý thua lỗ lớn nhất lịch sử, lợi nhuận sau thuế âm 42,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 31 tỷ đồng).
Nhờ nửa đầu năm kinh doanh tích cực nên tính đến hết quý III/2024, Than Cao Sơn vẫn mang về 7.365,3 tỷ đồng doanh thu và 133,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 17% so với cùng kỳ năm. Với kết quả này, Công ty đã thực hiện được 78% chỉ tiêu doanh thu và vượt 28% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Quảng, Quyền giám đốc Công ty cổ phần Than Hà Tu - Vinacomin (mã THT) cho hay, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt bão Yagi gây bất lợi cho hoạt động sản xuất của Công ty nên sản lượng tiêu thụ quý III/2024 chỉ đạt gần 259.865 tấn, giảm xấp xỉ 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong quý III, Than Hà Tu ghi nhận 507 tỷ đồng doanh thu và 277 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 60% và 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất trong 8 năm qua của doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Than Hà Tu đạt gần 55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được gần 81% kế hoạch cả năm, chủ yếu do lãi quý II ở mức cao (38 tỷ đồng). Quý IV, Công ty dự kiến sẽ khai thác 560.000 tấn than, tiêu thụ 710.000 tấn, bốc xúc trên 12 triệu m3 đất đá…
Tỷ suất lợi nhuận thấp
Nhu cầu than cho sản xuất điện ở mức cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận các doanh nghiệp khai thác than ở mức thấp, ngay cả khi giá than thế giới tăng.
Bên cạnh ảnh hưởng bởi siêu bão, tiêu thụ than cho phát điện giảm cũng khiến sản lượng của các doanh nghiệp than giảm mạnh trong quý III/2024.
TKV cho biết, quý III luôn là thời điểm khó khăn nhất của ngành công nghiệp khai thác than - khoáng sản, chủ yếu do những yếu tố khách quan như thời tiết cực đoan, sản lượng than tiêu thụ cho nhiệt điện giảm vì ngành điện ưu tiên phát điện các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, đây chỉ là rủi ro trong ngắn hạn với các doanh nghiệp than.
Hiện tại, nhu cầu than cho sản xuất điện Việt Nam đang ở mức cao. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng điện than chiếm gần một nửa tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Để bảo đảm an ninh năng lượng, không bị gián đoạn, nguồn điện than trong vài năm tới sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Vừa qua, EVN đã họp với TKV và Tổng công ty Đông Bắc, bàn về việc cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện đến cuối năm nay và sang năm 2025, cho thấy nhu cầu về than vẫn lớn.
Mặc dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp than niêm yết đều do cổ đông lớn nhất là TKV chi phối nên hoạt động kinh doanh có sự tham gia, chỉ đạo từ Tập đoàn và hoạt động chủ yếu dưới dạng hợp đồng giao thầu khai thác, chế biến, kinh doanh than với Tập đoàn. Toàn bộ than khai thác được, các doanh nghiệp phải bán cho doanh nghiệp thương mại của ngành than, vì các đơn vị này mới có chức năng xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra, định mức tỷ suất lợi nhuận thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều, dù giá trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Trong quý III/2024, giá than thế giới tăng xấp xỉ 10% (tính toán từ Trading Economics), nhưng tỷ suất lợi nhuận các doanh nghiệp khai thác than vẫn không cải thiện, thậm chí kinh doanh dưới giá vốn. Trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp, ngoại trừ Than Núi Béo đạt 13,9%, phần lớn các doanh nghiệp như Than Vàng Danh, Than Hà Tu, Than Cao Sơn chỉ đạt từ 4,7 - 7,9%.
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là TKV và Đông Bắc. Giá than trong nước chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất, bình quân 3 - 4 năm/lần.
Vì vậy, dù mỗi năm mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp than luôn ở mức thấp, trừ đi chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vài chục tỷ đồng, thậm chí có năm còn thua lỗ.
Hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào tập đoàn mẹ, tỷ suất lợi nhuận thấp và tỷ lệ cổ tức trung bình chỉ đạt 8 - 10%/năm khiến cổ phiếu ngành than không nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường, nên định giá P/B luôn ở mức dưới 1, tức thị giá dưới giá trị sổ sách. Từ cuối tháng 8/2024 đến nay, nhóm cổ phiếu than có diễn biến giảm giá: mã CST giảm hơn 21%, mã TVD giảm hơn 14%, mã NCB giảm gần 11%, mã THT giảm xấp xỉ 6%...