Vàng miếng SJC 1 chữ cái là gì, vì sao Công ty SJC lại ngừng mua loại này?
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về việc một số khách hàng mang vàng miếng SJC loại một chữ cái đến Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC bán lại, nhưng phía công ty từ chối mua.
Vàng SJC 1 chữ cái là gì?
Vàng miếng SJC 1 chữ cái được nói đến ở trên, được xác định là vàng cũ, đã từng lưu thông từ trước khi SJC được công nhận là thương hiệu vàng quốc gia. Đây là những miếng vàng có 1 chữ cái trước dãy số seri. Còn những miếng vàng SJC sau này có 2 chữ cái trước dãy số seri.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu công ty SJC ngừng thu mua loại vàng miếng 1 chữ cái này. Sự kiện này cũng đã từng xảy ra nhiều năm trước đó.
Tại sao lại có 2 loại vàng này? Câu chuyện quay trở về với lịch sử hình thành công ty SJC và thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC.
Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ngày nay, tiền thân là Công ty Vàng bạc đá quý thành phố, thành lập ngày 17/09/1988, theo Quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng. Vàng miếng SJC ra đời đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước lúc đó.
Cái tên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được đổi từ tháng 3/1993. Đây cũng là năm đánh dấu việc SJC vươn ra miền Bắc, thành lập chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1994 đánh dấu thời điểm quan trọng khi lượng vàng SJC thứ 1 triệu được sản xuất.
Vàng miếng SJC 1 chữ cái là những mẫu sản phẩm do Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Theo Luật về chất lượng sản phẩm, Công ty SJC phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm này. Vàng SJC 1 chữ cái và vàng 2 chữ cái cũng đã được NHNN và công ty SJC khẳng định là có chất lượng như nhau.
Ảnh Internet |
Vì đâu Công ty SJC lại tạm ngừng thu mua vàng miếng 1 chữ cái?
Cuộc chơi về sản xuất vàng miếng của Công ty SJC thay đổi khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng được ban hành. Theo đó Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Ngay sau khi Nghị định 24/2012 ra đời, NHNN đã ra quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về quản lý sản xuất vàng miếng. Quyết định nêu rõ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% cho Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo về hạn mức, thời điểm sản xuất. Nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng và dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Từ một doanh nghiệp sản xuất vàng miếng trước đó, Công ty SJC trở thành đơn vị gia công vàng miếng cho NHNN. Và vàng miếng SJC cũng từ đó trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Theo một số liệu thống kê sơ bộ trước đó, có khoảng vài chục triệu lượng vàng SJC do công ty SJC sản xuất trước khi Nhà nước quản lý.
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc về gia công vàng miếng với Công ty SJC. Theo hợp đồng nguyên tắc, NHNN sẽ thực hiện sản xuất vàng miếng từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN, thông qua việc yêu cầu SJC gia công vàng miếng cho NHNN.
Năm 2024 vừa qua, về sản lượng, công ty SJC đặt mục tiêu bán ra 444.912 món nữ trang các loại. Còn về vàng miếng, công ty nhận kế hoạch gia công và dập các thỏi SJC móm với số lượng khoảng 31.692 lượng.
Từ đầu tháng 6/2024, NHNN đã thực hiện chính sách bán vàng bình ổn giá, theo đó, NHNN bán vàng miếng SJC cho Big4 gồm Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG), Agribank. Ngoài ra, công ty SJC là doanh nghiệp duy nhất có trong danh sách được mua vàng miếng từ NHNN để bán cho người dân.
Giá bán vàng được NHNN quy định theo từng ngày. Những phiên đầu tiên, giá vàng miếng liên tục được điều chỉnh tăng. Tuy vậy sau đó, giá vàng miếng SJC được giữ nguyên thời gian dài trước khi có biến động giảm thời gian qua.
Liên quan đến việc ngừng mua vàng 1 chữ cái, đại diện công ty SJC chia sẻ, nguyên nhân do tồn kho loại hàng này và số vàng móp méo công ty thu mua lại trên thị trường đã lên khá cao, nhưng chưa có lộ trình được gia công.
Hiện Công ty SJC chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, tuy vậy giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2023 đạt 1.446 tỷ đồng, trong đó hơn 6 tỷ đồng là tồn kho nguyên liệu; 1.251 tỷ đồng là tồn kho hàng hoá.
Công ty SJC cũng đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 83 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn