Vàng miếng SJC đảo chiều tăng, tỷ giá USD gặp áp lực
Tỷ giá USD gặp áp lực
Sáng ngày 23/1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.030 VND/USD, giảm 1 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.829 - 25.233 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.360 VND/USD (mua vào tiền mặt) và 24.730 VND/USD (bán ra), tăng 30 VND/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước.
Trên thị trường tự do, sau ngày đầu tuần tăng mạnh, giá USD được duy trì. Khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD phổ biến ở mức 24.980 đồng chiều mua vào và 25.080 đồng chiều bán ra. Giá thu mua đôla như vậy đã tiệm cận mốc 25.000 VND/USD.
Khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực đối với tỷ giá hiện nay đang cao dần. Theo SSI Research, nguyên nhân một phần đến từ việc thị trường đang đánh giá lại khả năng giảm lãi suất của Fed. Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới vẫn tiếp tục giao dịch trên mốc 103 điểm. Tại Mỹ, dữ liệu GDP quý 4 và chỉ số giá PCE - số liệu vốn được Fed ưu tiên quan tâm sẽ được công bố trong tuần này, trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần tới.
Ngoài chịu ảnh hưởng bởi USD neo cao, chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài có thể khiến áp lực rút vốn tăng dần. Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI cũng dự bán cán cân thương mại cũng khó có khả năng hỗ trợ tích cực như giai đoạn 2023. Số liệu xuất nhập khẩu đầu tháng 1/2024 cho thấy xu hướng này khi nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu khá nhiều. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt và khiến biến động tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn.
Vàng miếng SJC tăng trở lại
Vàng thế giới tiếp tục ổn định quanh mức 2.030 USD/ounce do các nhà đầu tư tránh đặt cược lớn trước các quyết định chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và châu Âu trong tuần này, cũng như dữ liệu kinh tế quan trọng ở Mỹ.
Giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến các tín hiệu từ ngân hàng trung ương Nhật Bản về khả năng chấm dứt lãi suất âm tại quốc gia này. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào ngày 25/1 với dự báo đang nghiêng về nhận định lần hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 4/2024. ECB muốn có thêm các cơ sở cho thấy tốc độ tăng giá cả đã chậm lại trước khi hành động. Trong đó, tốc độ tăng lương là rủi ro lớn nhất trong cuộc chiến chống lạm phát bởi việc tăng lương làm tăng chi phí cho các công ty và tăng thu nhập hộ gia đình. Cả hai yếu tố này có thể đẩy giá cả lên cao, khiến ECB có thể phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao đang giao dịch ở mức 2.022 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,07% lên 2.028,9 USD/ounce.
Trong khi đó, sau một số phiên điều chỉnh, vàng miếng SJC tăng khá mạnh trong ngày 23/1. Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đã tăng trở lại lên mức 74 – 76,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tiếp tục duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch trên cũng được duy trì ở Tập đoàn DOJI và PNJ. Giá vàng tại PNJ đang yết ở mức 73,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi, vàng miếng SJC tại DOJI thấp hơn 50.000 đồng ở cả hai chiều.
Giá vàng có sự chênh lệch khá lớn giữa các hãng. Bảo tín Minh châu là hãng vàng đang yết giá bán thấp nhất trong số các hãng vàng lớn, ở mức 73,85 triệu đồng - 76,15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán đã thu hẹp 2,3 triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức quanh 15 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tại SJC giảm nhẹ 50.000 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 62,75 triệu đồng/lượng mua vào và 63,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long BTMC sau khi xác lập mức kỷ lục mới cũng liên tục giảm và hiện đã tuột mốc 65 triệu đồng/lượng. Bảo tín Minh châu yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 63,68 - 64,78 triệu đồng/lượng. Dù điều chỉnh, giá vàng nhẫn tại đây vẫn đang cao nhất nhất thị trường.
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 345/NHNN-QLNH gửi Bộ Tài chính và công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cơ quan này phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP”, văn bản nêu rõ.
Xem thêm tại baodautu.vn