Vang Thăng Long liên tục thay đổi cổ đông lớn

CTCP Vang Thăng Long (mã VTL-UPCoM) vừa công bố Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Tín không còn là cổ đông lớn của công ty.

Cụ thể: trong phiên ngày 27/11, Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Tín, cổ đông lớn của VTL thông báo đã bán hết 2.409.992 cổ phiếu, chiếm 23,81% vốn tại VTL.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Kim Ngọc thông báo đã mua vào 2.267.000 cổ phiếu VTL. Qua đó, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 2.478.630 cổ phiếu, chiếm 24,49% vốn tại VTL.

Theo dữ liệu trên HNX, ngày 27/11, có giao dịch thỏa 2.409.992 cổ phiếu VTL, với tổng giá trị 28.2 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 11.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 12.5% so với giá đóng cửa phiên hôm đó (10.400 đồng/cổ phiếu).

Trước đó, vào ngày 1/8, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư dịch vụ Thương mại Thành Công đã thoái toàn bộ 47,58% vốn VTL.

Bên mua là CTCP Tư vấn và Đầu tư Bình Sơn đã mua 2.400.000 cổ phiếu và nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 23,72% và Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Tín đã mua 2.409.992 cổ phiếu và nâng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 23,81%.

Cũng theo dữ liệu trên HNX, giao dịch có tổng giá trị là 55,8 tỷ đồng, tương đương bình quân 11.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3% thị giá VTL đóng cửa phiên 01/08 (11.200 đồng/cổ phiếu). Ước tính, Phúc Tín đã chi 28 tỷ đồng để làm cổ đông lớn.

Theo thông tin trên HNX, VTL mới công bố Báo cáo thường niên 2023. Theo đó, VTL ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 12,03 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ (79,86 tỷ); lợi nhuận sau thuế lỗ 9,35 tỷ ( năm 2022, VTL báo lỗ 35,72 tỷ đồng). Qua đó, nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng từ -gần 63 tỷ lên -72,23 tỷ đồng.

VTL cho biết năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức của Công ty. Công ty đã tiếp tục xây dựng lại hệ thống bán hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng do sức mua chung trên thị trường suy giảm; lạm phát tăng cao nên người dân thắt chặt chi tiêu do vậy nhiều doanh nghiệp đã phá sản, đóng cửa hoặc tạm dừng sản xuất.

Công ty đã xây dựng lại hệ thống bán hàng, thay đổi mẫu mã, sản xuất thêm sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của thị trường chuẩn bị sẵn sàng cho vụ tiêu thụ sản phẩm mang tính mùa vụ (tháng 10/2023 đến 3/2024).

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản, nguồn vốn của VTL giảm 23,03% so với đầu năm, tương ứng giá trị giảm 23,73 tỷ đồng - trong đó, hàng tồn kho giảm 6,18 tỷ đồng, các khoản phải thu giảm 16,81 tỷ đồng và tiền tăng 2,42 tỷ đồng. Các khoản phải trả của công ty giảm 64,91 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty tăng 50,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công ty cho biết khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty thấp, tài sản ngắn hạn của công ty chủ yếu là Hàng tồn kho (chiếm tới 53% tài sản ngắn hạn) nên các hệ số số thanh toán nhanh, thanh toán tức thời đều rất kém, tuy nhiên đã có khởi sắc so với thời điểm đầu năm. Công ty cũng cho biết thêm nhìn chung khả năng thanh toán của công ty phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiêu thụ lượng hàng tồn kho đang tồn tại đến thời điểm hiện tại.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VTL trải qua nhịp tăng nóng trong tháng 11, đưa thị giá từ vùng 4,500 đồng/cổ phiếu vượt lên hơn 11.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 130%. Chốt phiên ngày 3/12, thị giá VTL đứng ở mốc tham chiếu 10.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 27% qua 1 năm.

Với kết quả trên, HNX đã đưa cổ phiếu VTL ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 3/4 do VTL có vốn chủ sở hữu không âm trên BCTC năm 2023 đã kiểm toán.

Xem thêm tại vneconomy.vn