Vàng, USD tăng nóng: Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh tay

Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng sau 11 năm tạm ngưng

NHNN đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, cơ quan này tổ chức đấu thầu vàng trở lại.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng sau 11 năm tạm ngưng

NHNN đề nghị Bộ Công an phối hợp đấu thầu vàng miếng

Ngày 15/4/2024, NHNN đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, NHNN đề nghị Bộ Công An, Bộ Tài chính phối hợp, hỗ trợ công tác đầu thầu vàng.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, NHNN yêu cầu tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị; Kịp thời xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng theo thẩm quyền.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp đấu thầu vàng miếng

Tỷ giá USD rất nóng, chờ can thiệp mạnh tay từ Ngân hàng Nhà nước

Tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực tăng mạnh. Giá USD ngân hàng liên tục tăng kịch trần. Giới chuyên gia nhận định, NHNN sẽ có động thái can thiệp phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ.

Được coi là "tấm đệm" ổn định tỷ giá, dự trữ ngoại hối luôn được NHNN tăng cường tích trữ trong nhiều năm qua. Theo dữ liệu của các đơn vị phân tích trong nước và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với lượng ngoại tệ mà NHNN mua được trong đầu năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến đầu tháng 5/2023 có thể đạt khoảng 93-95 tỷ USD.

>> Xem thêm: Tỷ giá USD rất nóng, chờ can thiệp mạnh tay từ Ngân hàng Nhà nước

NHNN công khai can thiệp ngoại tệ từ 19/4

Tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, ông Phạm Chí Quang, Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết: "Ngày hôm nay (19/4), NHNN đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ trên website. Kể từ ngày 19/4, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng".

Ngay lập tức, thị trường đã có phản ứng tích cực khi tỷ giá có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt.

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá đã tăng 256 đồng, tương ứng hơn 1,06%. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua, lên 25.373 đồng/USD.

>> Xem thêm: NHNN công khai can thiệp ngoại tệ từ 19/4, thị trường lập tức 'phản ứng'

Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

NHNN cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng, vay tiêu dùng 1,79 triệu tỷ đồng.

Trong các năm 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%. Tuy nhiên, những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng nhanh.

Theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ này có sự giảm dần từ năm 2020 tới năm 2022 và đạt cao nhất vào năm 2023. 

>> Xem thêm: Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

Lãi suất liên ngân hàng lên mức cao nhất 11 tháng, sát trần quy định

Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, lên gần chạm trần 5% theo quy định và cũng là mức cao nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây.

Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều đã vượt 4%/năm và chạm mức cao nhất trong gần 1 năm qua. 

>> Xem thêm: Lãi suất liên ngân hàng lên mức cao nhất 11 tháng, sát trần quy định

Cổ đông LPBank quyết đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) diễn ra vào ngày 17/4, cổ đông của ngân hàng này đã thống nhất kế hoạch lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023 và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam.

Trước đó, HĐQT LPBank từng trình phương án đổi tên tiếng Việt thành “Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Việt Nam”. Nhưng phương án này đã được rút khỏi tài liệu ĐHĐCĐ vào phút chót.

>> Xem thêm: Cổ đông LPBank quyết đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN

NHNN vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định về quản lý seri tiền mới in của NHNN. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 14/5/2024.

Thông tư này quy định việc quản lý seri tiền mới in đối với các loại tiền giấy của NHNN được thực hiện từ khi cấp vần seri, sử dụng vần seri trong quá trình in tiền cho đến khi tiền mới in được phát hành vào lưu thông.

>> Xem thêm: Quy định về quản lý seri tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước

Kiều hối về TP.HCM tăng cao nhất 3 năm

Kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý đầu năm đạt 2,86 tỷ USD, tăng cao nhất trong 3 năm qua. So với tổng lượng kiều hối chuyển về năm 2023, kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2024 bằng 30,3%.

Kiều hối chuyển về TP.HCM tăng trưởng cao kỷ lục sẽ góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục nóng lên.

>> Xem thêm: Kiều hối về TP.HCM tăng cao nhất 3 năm

Tín dụng ấm dần lên, ngân hàng rộn ràng báo lãi nghìn tỷ

Tín dụng đang có dấu hiệu ấm lên, giúp triển vọng lợi nhuận ngân hàng sáng sủa hơn. Nhiều ngân hàng đã báo lãi quý đầu năm 2024 khá tích cực.
Với kết quả lợi nhuận của phần lớn ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong quý I, các ngân hàng càng có thêm cơ sở để đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 để trình ĐHĐCĐ. Các nhà băng kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng dần cải thiện ở các quý tới là cơ sở để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh cả năm nay.

>> Xem thêm: Tín dụng ấm dần lên, ngân hàng rộn ràng báo lãi nghìn tỷ

Can thiệp 'cứu' SCB: Cho vay tiền, lên lộ trình tái cơ cấu từng bước

Ngay khi Ngân hàng SCB rơi vào tình trạng khó khăn, NHNN đã có nhiều giải pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia cũng như đảm bảo cho hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến vấn đề này, tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “SCB là một trong những ngân hàng có quy mô và tổng tài sản lớn nên việc đưa ra những giải pháp xử lý đòi hỏi thủ tục và quy mô hỗ trợ lớn".

“Việc cho vay hay việc cung ứng tiền cho SCB dù dùng nhiều hay dùng ít đều sẽ có công cụ điều hòa. Khi NHNN thấy lượng tiền trong nền kinh tế nhiều, dư thừa thì sẽ có biện pháp phát hành tín phiếu để hút tiền về như thời gian vừa qua", lãnh đạo NHNN cho biết.

>> Xem thêm: Can thiệp 'cứu' SCB: Cho vay tiền, lên lộ trình tái cơ cấu từng bước

Tổng Giám đốc PGBank nộp đơn xin từ nhiệm trước ngày ĐHCĐ

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank - PGB) Đinh Thị Huyền Thanh có đơn xin từ nhiệm 1 ngày trước đại hội đồng cổ đông. Trước đó, hai lãnh đạo cấp cao khác của PGBank cũng có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

ĐHĐCĐ PGBank ngày 20/4 đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Thành Lâm và bà Định Thị Huyền Thanh.

>> Xem thêm: Tổng Giám đốc PGBank nộp đơn xin từ nhiệm trước ngày ĐHCĐ

Xem thêm tại vietnamfinance.vn