Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã chứng khoán: LPB) là một trong những ngân hàng đầu tiên chính thức công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) cả năm 2024 của LPBank đạt 19.932,4 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng ngày càng giữ vai trò chủ đạo khi tăng tỷ trọng từ 71,7% năm 2023 lên 77% tổng thu nhập hoạt động năm 2024, tương ứng đạt 15.393,7 tỷ đồng, tăng 37,4% cùng kỳ.
Báo lãi từ tín dụng, thu ngoài lãi lép vé
Trong khi thu từ hoạt động tín dụng tăng mạnh thì thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của LPBank có mức tăng chậm hơn, chỉ 2,6% khiến tỷ trọng co hẹp lại, chỉ chiếm 23% tổng thu nhập hoạt động của LPBank, thay vì mức 28,3% cùng kỳ.
Trong đó, một số mảng sụt giảm thu nhập rõ rệt như: hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 37%; mua bán chứng khoán đầu tư giảm 74%. Trong khi đó, một số mảng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh “cứu cánh” các mảng sụt giảm như: mua bán chứng khoán kinh doanh (tăng 42%); lãi thuần từ hoạt động khác tăng đột biến gấp 2,7 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận LPBank vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tăng 75% Năm 2024, tổng chi phí hoạt động LPBank gần như không đổi, khoảng 5.800 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm trên 30% cùng kỳ, còn 1.954 tỷ đồng. Chốt năm 2024, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 12.168,2 tỷ đồng, gia nhập vào nhóm có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, LPBank lãi 9.721 tỷ đồng, tăng ấn tượng gần 75% so với cùng kỳ. |
Năm 2024, với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, LPBank đã tinh gọn từ 17 khối xuống còn 8 khối nghiệp vụ và chính thức triển khai vận hành theo mô hình mới từ ngày 16/12/2024.
Tại Hội nghị triển khai kinh doanh năm 2025 vừa được tổ chức, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng quản trị LPBank nhấn mạnh, việc tinh gọn nhằm từng bước hiện thực hóa chiến lược đưa ngân hàng trở thành top 1 ngân hàng bán lẻ tại nông thôn và đô thị loại 2 trên nền tảng công nghệ số, đồng thời thuộc top 5 dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại các đô thị lớn.
Đặc biệt, ngân hàng sẽ tập trung vào các khu vực vùng sâu, vùng xa để góp phần xóa bỏ tín dụng đen, mang lại giải pháp tài chính an toàn, hiệu quả cho người dân.
Nguồn: TBTCVN tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng. |
Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) cũng báo lãi trước thuế kỷ lục, 27.500 tỷ đồng, vượt 1 tỷ USD và hoàn thành kế hoạch được giao.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank trong năm 2024 đạt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần từ tín dụng tăng mạnh 28%, đạt trên 35,5 nghìn tỷ đồng, song thu nhập ngoài lãi của Techcombank sụt giảm 7%. Do đó, tỷ trọng thu nhập lãi thuần nâng từ 70% năm 2023 lên mức 75% năm 2024.
Nguyên nhân chính khiến thu ngoài lãi sụt giảm do hai khoản mục, đó là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm trên 670 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,7%; lãi thuần từ hoạt động khác giảm gần 2.100 tỷ đồng, giảm sâu 86% cùng kỳ.
Vào "mùa" công bố báo cáo tài chính, ngân hàng Techcombank và LPBank báo lãi kỷ lục nhờ đâu? |
Soi diễn biến các quý, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này đạt đỉnh 13.400 tỷ đồng trong quý II/2024 và giảm dần nửa cuối năm. Riêng quý cuối năm, hoạt động kinh doanh của Techcombank có dấu hiệu chậm dần, chủ yếu do các khoản thu ngoài lãi sụt giảm mạnh, chỉ đem lại khoản thu 952,8 tỷ đồng, tỷ trọng co hẹp lại chỉ chiếm 10% tổng thu nhập hoạt động.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý IV/2024 thấp nhất trong bốn quý, chỉ bằng 67% mức trung bình lãi thuần ba quý đầu năm. Cùng với đó, sau khi ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối hơn 1.000 tỷ đồng, quý IV/2024 gánh khoản lỗ 424 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng không “xuôi chèo mát mái” khi đem lại khoản thu khá thấp so với ba quý đầu năm.
Trong khi đó, chi phí hoạt động quý cuối năm ở mức cao. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 27.538 tỷ đồng, vượt 1 tỷ USD và tăng 20,3% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng này và vượt kế hoạch được giao (27.100 tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãi trước thuế quý IV/2024 chỉ đạt 4.696 tỷ đồng, bằng 62% mức trung bình ba quý đầu năm và sụt giảm 18,7% cùng kỳ. Kết thúc năm 2024, Techcombank lãi sau thuế 21.760 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng nhưng thấp so với toàn ngành
Cũng theo báo cáo tài chính mới công bố, đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của LPBank đạt hơn 508,3 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 20,4%, đạt 331,6 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 19,3%, khoảng 283,1 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tăng từ 1,34% năm 2023 lên 1,57%, phản ánh khẩu vị rủi ro cao hơn của ngân hàng nhằm duy trì được lợi suất sinh lãi cao. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của LPBank sụt giảm so với quý trước liền kề và vẫn nằm trong nhóm thấp toàn ngành.
Nợ xấu của ngân hàng của LPBank và Techcombank tăng lần lượt 41% và 18% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, do các nhà băng đều mở rộng tăng trưởng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của LPBank và Techcombank vẫn ở mức thấp so với toàn ngành, tương ứng 1,57% và 1,12%. |
Nợ xấu của ngân hàng của LPBank ở mức 5.199 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2023 (3.689 tỷ đồng). Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, gấp 2 lần, lên mức 2.422 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng nhẹ lên mức 83,29% so với hai quý trước đó nhưng giảm so với cuối năm 2023 (93,75%).
Với Techcombank, tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của nhà băng này đạt gần 978.800 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cuối năm trước. Tín dụng trên cơ sở hợp nhất tăng 21,7%, trên 630 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng Techcombank giảm nhẹ so với mức đỉnh quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu cải thiện về mức 1,12% từ mức 1,16% năm 2023. Tổng nợ xấu tại ngân hàng này trên 7.100 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 113,94%, cải thiện so với mức 102,15% cuối năm 2023./.