VASEP dự báo xuất khẩu tôm nhiều khả quan

Doanh nghiệp chủ động xK

Một số doanh nghiệp XK tôm đầu ngành như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang triển khai nhiều hoạt động nhằm sẵn sàng đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty đang dồn lực phát triển tại thị trường Nhật Bản nhằm tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm chế biến sâu vốn là thế mạnh của công ty. Đặc biệt, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã xây dựng quan hệ kinh doanh thành công với một số đối tác có nền tảng tốt, giúp đảm bảo đầu ra tại Nhật Bản.

Để chuẩn bị đón cơ hội xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024, Công ty CP Thủy sản Minh Phú đang hoàn thiện nhà máy chế biến tôm Minh Phát giúp nâng tổng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn. Ngoài ra, hai dự án nhà máy khác của Thủy sản Minh Phú là nhà máy Minh Quý và nhà máy Minh Phú với tổng công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động giữa năm 2025 - 2027.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xu hướng tăng đơn hàng và những biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản… sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ về nguồn cung thủy sản ở những thị trường lớn này. Do vậy, lượng hàng tồn kho sẽ giảm mạnh và dự đoán sẽ cạn kiệt trong nửa đầu năm. Từ đó có thể suy luận xu hướng giá thấp của năm trước sẽ chấm dứt trong năm nay. Dự báo giá các loài thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm sẽ tăng trở lại từ quý 2/2024 và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, hiện nay, điều doanh nghiệp lo ngại nhất là xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lại làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Bất ổn ở Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, thách thức mới và lớn của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua kênh đào Suez và Panama đều gặp khó. Hệ lụy có thể là hàng hóa bị ứ đọng, thiếu tàu container và container rỗng; Việc này sẽ chi phối chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp XK tôm lựa chọn giải pháp chuyển hướng XK sang những thị trường gần, như Trung Quốc, Nhật Bản… Theo bà Lê Hằng, các doanh nghiệp có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường XK và sản phẩm XK và biến thách thức thành cơ hội. Chẳng hạn Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn. Quan trọng hơn là Trung Quốc chắc chắn bị giảm nguồn cung từ Ecuador do cả vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng… Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng sẽ có xu hướng chuyển đổi một số sản phẩm XK. Với những đặc thù dễ bảo quản, thời hạn lâu, giá hợp lý, thủy sản đóng hộp, đóng túi và hàng khô sẽ có nhiều nhu cầu hơn trong năm nay trong bối cảnh của chiến tranh, xung đột và lạm phát…

Mục tiêu 4 tỷ USD

Theo đánh giá của VASEP, năm 2024 vẫn còn những khó khăn thách thức từ năm trước và thêm thách thức mới là xung đột ở Trung Đông, nhưng với sự nỗ lực, nhạy bén và khả năng thích ứng của doanh nghiệp XK tôm, cùng với những tín hiệu hồi phục thị trường, dự báo XK thủy sản sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Doanh số toàn ngành có thể đạt mức 9,5 - 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD.

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại.

Dù vậy, không ít thách thức của ngành hàng trong năm 2024 đã được đưa ra như rào cản thương mại, cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Giải pháp là tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo VASEP, hiện nay nhiều địa phương xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính. Cùng với đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, thị trường tôm toàn cầu trải qua năm 2023 đầy sóng gió. Tuy vậy, các quốc gia sản xuất tôm chính trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Á vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và xuất khẩu. Tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm của các nguồn cung này nhiều kỳ vọng phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024. Từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp kỳ vọng mục tiêu XK tôm 4 tỷ USD sẽ khả quan.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn