VCBS: Cổ phiếu HPG, HSG không còn hấp dẫn, nhiều áp lực nửa cuối năm

Ngành thép: Kỳ vọng ngắn hạn và thách thức dài hạn

Như đã thông tin, nhiều doanh nghiệp thép trong nước hiện đang kỳ vọng hưởng lợi từ các biện pháp điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản trong tương lai.

VCBS: Cổ phiếu HPG, HSG không còn hấp dẫn, nhiều áp lực nửa cuối năm
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, báo cáo cập nhật từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng những kỳ vọng này có thể chỉ là ngắn hạn và không bền vững. Ngành thép vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. VCBS nhấn mạnh rằng chính sách mới từ Liên minh châu Âu (EU) có thể gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu, trong khi giá nguyên liệu giảm nhanh vào cuối quý II có thể tạo áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý III.

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thép trên sàn, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng giá trị tồn kho thép đạt khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ đồng so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao.

Dự báo từ Hiệp hội Thép thế giới (WSA) cho thấy nhu cầu thép toàn cầu sẽ hồi phục nhẹ khoảng 1,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, sự suy giảm trong thị trường bất động sản tại Trung Quốc và triển vọng kém trong nửa cuối năm có thể làm giảm tiêu thụ thực tế so với dự báo.

Tại các thị trường xuất khẩu, chính sách mới từ EU sẽ có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp thép Việt Nam. EU dự kiến áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 1/2026, đánh thuế carbon đối với các nhà xuất khẩu thép, điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước. Họ sẽ cần đầu tư vào công nghệ xanh tốn kém để duy trì xuất khẩu vào EU. Hơn nữa, vào ngày 30/7/2024, EU đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC của Việt Nam do sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.

Triển vọng tích cực đã phản ánh vào giá

Trong nước, việc điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC và tôn mạ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 10 hoặc 11/2024. Tuy nhiên, VCBS cho rằng tác động của các chính sách này có thể không lớn như giai đoạn 2016-2017, do tỷ trọng nhập khẩu tôn mạ từ các quốc gia này hiện thấp hơn nhiều. Trung Quốc có thể chuyển khẩu sang các quốc gia lân cận để né thuế.

VCBS dự báo, nếu thuế chống bán phá giá được áp dụng, sản lượng nội địa có thể tăng thêm khoảng 10-15%. Tuy nhiên, triển vọng cổ phiếu ngành thép không lạc quan như một số nhà đầu tư kỳ vọng. Cổ phiếu ngành thép hiện cho thấy tỷ suất lợi nhuận đầu tư thấp và phần lớn kém hiệu quả so với VN-Index. Cổ phiếu của các công ty vốn hóa vừa và nhỏ như VGS, TVN và TIS đã ghi nhận mức tăng ấn tượng nhờ các yếu tố riêng biệt, trong khi các cổ phiếu đầu ngành như HPG, HSG và NKG gặp khó khăn.

VCBS: Cổ phiếu HPG, HSG không còn hấp dẫn, nhiều áp lực nửa cuối năm
Nhóm cổ phiếu thép tăng trưởng âm so với VN-Index trong nửa đầu năm 2024

Đối với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), VCBS nhận định rằng giá thép thấp đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, với mức ROE dự phóng cho năm 2024 là 13% và mức P/B hiện tại là 1,53 lần, cho thấy định giá không hấp dẫn so với quá khứ.

Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đối mặt với rủi ro từ việc áp thuế HRC, nguyên liệu chính trong sản xuất các sản phẩm tôn mạ và khả năng trích lập giảm giá hàng tồn kho. Giá thép xuất khẩu tại Mỹ và EU đã điều chỉnh theo giá thép Trung Quốc, có thể làm thu hẹp biên lợi nhuận trong hai quý cuối năm. Hoa Sen có nguy cơ phải trích lập dự phòng giảm giá cho lượng hàng tồn kho lớn tích trữ trong quý I/2024.

Tóm lại, những kỳ vọng về phục hồi trong ngành thép đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi lợi nhuận thực tế chưa phục hồi tương xứng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn