VDSC gợi ý chiến lược đầu tư nương theo sóng KQKD quý II
Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 7 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index biến động trong biên độ khoảng 6,6% (1.230 – 1.300) kể từ đầu tháng 5/2024 cùng với thanh khoản sụt giảm. VDSC cho rằng diễn biến trầm lắng này đang phản ánh triển vọng kém khả quan trên thị trường tiền tệ, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ và nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng liên tục.
Về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 7, bối cảnh kinh tế hiện tại đang đan xen hai gam màu. Trong đó gam màu sáng từ xu hướng phục hồi khả quan của tăng trưởng kinh tế. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp là động lực, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu duy trì khả quan và gam màu kém sắc từ thị trường tiền tệ, khi mà tỷ giá tự do liên tục lên các mức cao mới, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỷ giá trong hơn hai tháng qua.
Nếu áp lực tỷ giá không suy giảm, nhóm phân tích không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong quý III/2024. VDSC cho rằng động thái này là hợp lý, nếu xảy ra, nhằm kiềm chế đà mất giá của tiền đồng trong khi vẫn bảo vệ được dự trữ ngoại hối.
Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, thị trường nhìn chung vẫn giữ mức biến động như hai tháng vừa qua. Với mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sẽ diễn ra trong tháng 7, VN-Index vẫn có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm; trong khi vấn đề tỷ giá, và rủi ro NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1240, hoặc thậm chí 1.180 – 1.220 điểm trong quý III.
Ở vùng dao động này của chỉ số, các nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ luân phiên tăng điểm, mang lại cơ hội đầu tư ngắn hạn và nhà đầu tư có thể chủ động phân bổ danh mục đầu tư cho các mục tiêu ngắn – dài hạn, và tỷ trọng cổ phiếu - tiền mặt hợp lý.
VDSC cũng muốn lưu ý rằng một mức biến động 5% của VN-Index có thể sẽ mang lại mức chênh lệch lớn về hiệu suất sinh lời cho các danh mục với tỷ trọng cổ phiếu khác nhau. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế sử dụng đòn bẩy quá mức và luôn có sức mua cho cơ hội ở các nhịp điều chỉnh lớn. Cho tháng 7, nhóm phân tích gợi ý hai ý tưởng đầu tư theo chủ đề phục hồi lợi nhuận quý II/2024.
VPB
Rồng Việt kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của VPB có thể tăng trưởng 80% so với cùng kỳ lên 4.700 tỷ đồng khi mức lỗ của FE Credit đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 và đang tiến về mức hòa vốn trong tháng 4 và 5.
Cho các quý tiếp theo, tình hình kinh doanh của FE Credit được kỳ vọng sẽ có tiến triển về lợi nhuận nhờ dư nợ giải ngân mới đã phục hồi với mức tăng trưởng 10% theo quý, được dẫn dắt chính bởi cho vay mua xe máy và các khoản cho vay tiêu dùng.
Bên cạnh đó danh mục cho vay lành mạnh hơn do các khoản vay mới có khẩu vị rủi ro thấp hơn so với trước khủng hoảng và có khoảng 30% dư nợ theo chính sách cho vay cũ đáo hạn năm nay (đưa tổng dư nợ chính sách cũ đã được xử lý rủi ro/đáo hạn là 70%).
Đối với ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế được ước tính sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ lên 4.300 tỷ đồng, chủ yếu nhờ NIM (theo quý) dự phóng tăng 40 bps so với cùng kỳ lên 4,4%.
Tuy nhiên, mức NIM quý II này giảm 15 bps so với quý I do gặp nhiều sức ép trong quý II do chi phí huy động của VPB tăng khá nhanh, bình quân 70 bps trong quý II cho các kỳ hạn 3 - 12 tháng, trong khi đầu ra cũng đang gặp áp lực từ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất gia tăng. Tỷ lệ CP tín dụng giả định tăng 10 bps so với quý trước lên 0,6%, trên quan điểm thận trọng.
DPR
Câu chuyện chuyển đổi đất và định hướng mở rộng lĩnh vực bất động sản công nghiệp của DPR đã rõ nét hơn sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được thông qua và điểm nghẽn chỉ tiêu đất công nghiệp được giải quyết.
VDSC tin rằng các dự án khu công nghiệp Bắc Đồng Phú MR, Nam Đồng Phú MR, và khu đô thị mới thành phố Đồng Xoài (trong đó diện tích đất thu hồi của DPR là 500 ha) có thể triển khai được trong giai đoạn 2025 - 2030 do đây là những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Phước.
Trong ngắn hạn, tiền ghi nhận bồi thường từ dự án KDC Tiến Hưng 2 và giá bán trung bình mủ cao su sẽ duy trì trên mức 41 triệu đồng/tấn đến hết năm giúp kết quả kinh doanh 2024 tăng trưởng và vượt kế hoạch công ty đề ra.
Cho riêng quý II/2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty ước tính đạt lần lượt 191 tỷ đồng (tăng 31%so với cùng kỳ) và 90 tỷ đồng (tăng 212%) với các giả định giá bán mủ cao su trung bình 43 triệu đồng/tấn và thu nhập bồi thường từ dự án Tiến Hưng 2.
Xem thêm tại vietnambiz.vn