VDSC: Lãi suất huy động có thể tăng 0,5 - 1 điểm % trong năm 2024
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động hiện đã ở vùng đáy, lạm phát nhích tăng trở lại khiến lãi suất huy động khó có thể giảm thêm ngược lại còn có thể tăng 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024.
Tính đến cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động giảm từ 2,5 - 3,0 điểm %, về mức thấp của giai đoạn COVID-19. Tuy vậy, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ chưa rõ nét trong năm 2023 do bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, các kênh tài sản và đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, và lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.
Các chuyên gia từ VDSC đánh giá năm 2024, dư địa để cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế. Mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn phục hồi và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp dồn vào cuối năm 2024 có thể dẫn đến việc cạnh tranh lãi suất.
VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng ước tăng trưởng 14 - 15% trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn tăng lên, tình trạng thanh khoản dư thừa như cuối năm 2023 kỳ vọng sẽ thu hẹp.
Ngoài ra, việc tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công cũng có thể khiến lãi suất huy động tăng nhẹ khi tồn dư ngân sách giảm, nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng.
Tổng mức vay Ngân sách Nhà nước năm 2024 ước khoảng 690.000 tỷ đồng, tăng 14% so với ước thực hiện năm 2023. Nhu cầu chi tiêu cho đầu tư công tiếp tục lớn trong các năm tới có thể khiến nhu cầu huy động vốn của Chính phủ tăng, kéo theo lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng theo.
Với khu vực bất động sản, báo cáo từ VDSC nhận định lãi suất huy động vốn của lĩnh vực có liên quan đến bất động sản khó có thể giảm.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2023 được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng dành cho nhà phát triển bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn sẽ dồn rủi ro nợ xấu của lĩnh vực này về tương lai.
Nợ xấu sẽ tăng trở lại nếu người vay/doanh nghiệp đi vay không thể thực hiện nghĩa vụ nợ vào nửa sau năm 2024. Theo đó, chính sách kéo dài thời hạn của thông tư 02 có thể được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc trong quý II/2024.
Xem thêm tại vietnambiz.vn