VDSC: Nhà đầu tư nên chốt lời
Thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến sôi động trong 2 tháng đầu năm, VN-Index tăng 11% và thanh khoản này càng cải thiện. Trong tháng 2, khối lượng giao dịch bình quân tại HoSE đạt 841,5 triệu đơn vị/ngày, giá trị 20/670 tỷ đồng, tăng lần lượng 16% và 25% so với tháng 1.
Đà tăng của TTCK trong 2 tháng đầu năm được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng nhờ vào triển vọng tích cực. Sau hai quý giảm, lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng niêm yết đã tăng trở lại. Bên cạnh đó, Nghị định 12/2024 hướng dẫn rõ ràng hơn về định giá đất thay thế Nghị định 44/2014 đã giúp giải quyết các điểm nghẽn tính giá đất trong phương phán bồi thường giải phóng mặt bằng, tính nghĩa vụ sử dụng đất cho các dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản. Mặt khác, hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường trong tháng 2 cũng đưa ra giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng hạng.
Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường gần như đã phán ánh tương đối đầy đủ kết quả kinh doanh quý IV/2023. Trong khi đó, các thông tin nổi bật về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 sẽ bắt đầu được quan tâm từ cuối tháng. Do đó, thông tin về lợi nhuận doanh nghiệp chưa phải là yếu tố chủ đạo chi phối tâm lý giao dịch thị trường. Dù vậy, các dữ liệu vĩ mô đến cuối tháng 2 cho thấy xu hướng phục hồi của sản xuất và đầu tư của nền kinh tế Việt Nam có thể là yếu tố mang tính nền tảng và hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong tháng 3, VDSC chỉ ra 3 vấn đề ảnh hưởng đến TTCK cần lưu ý. Đầu tiên là thông tin định hướng chính sách tiền tệ trong kỳ họp tháng 3 của các ngân hàng trung ương lớn. Lãi suất điều hành của Fed, BOE, ECB được khẳng định đã chạm đỉnh trong các lần họp trước đây và khả năng cao sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong lần họp tới khi giọng điệu của của giới điều hành vẫn chưa thật sự tự tin với dữ liệu lạm phát. Ở kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng các NHTW bao gồm Mỹ và phương Tây sẽ chỉ đảo chiều chính sách tiền tệ từ nửa sau của năm 2024, trong khi NHTW Nhật Bản có thể sẽ chấm dứt thời kỳ siêu nới lỏng sớm hơn.
Thứ 2, VN-Index đã có chuỗi 4 tháng tăng điểm liên tiếp với mức sinh lời lũy kế là 21,7%, P/E VN-Index đang tiến lên mức tiệm cận 15 lần có thể gây áp lực nhất định lên thị trường. Khối ngoại thường có xu hướng bán ròng ở vùng định giá cao hơn ngưỡng này. Đồng thời, thị trường có thể sẽ gặp áp lực chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư, song các dữ liệu mô tích cực đang là trợ lực hỗ trợ cho kỳ vọng thu nhập của thị trường.
Cuối cùng, việc nâng hạng thị trường theo phân loại của tổ chức FTSE khả năng cao phải lùi đến tháng 9 thay vì đợt xem xét tháng 3 tới đây do các tiêu chí liên quan tới “thanh toán và bù trừ” vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, kết quả vận hành thử hệ thống KRX (điểm nghẽn kỹ thuật để tiến hành cơ chế thanh toán bù trừ) tích cực sẽ cũng cố niềm tin cho thị trường về một kịch bản vận hành chính thức trong tháng 5.
Với các yếu kéo và đẩy đang khá cân bằng, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.210-1.290 trong tháng 3. Theo đó, công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận khi cổ phiếu nắm giữ đạt mức sinh lời hợp lý cho khung thời gian đầu tư ngắn – trung hạn. Trạng thái danh mục nên tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức để tránh những phiên sụt giảm bất ngờ.
Xem thêm tại nhadautu.vn