VEAM (VEA) đón dàn lãnh đạo mới sau biến động Tổng Giám đốc bị khởi tố

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - VEA) vừa trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong cơ cấu Hội đồng Quản trị (HĐQT) sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tổ chức ngày 20/06. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt lãnh đạo của VEAM bị khởi tố và miễn nhiệm.

Sau đại hội, HĐQT VEAM có nhiều thay đổi, bao gồm việc bãi nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Phan Phạm Hà và miễn nhiệm ông Nguyễn Khắc Hải (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Nga, nhiệm kỳ 2022-2027. Cổ đông đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Ngô Khải Hoàn, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Trần Thị Nguyệt.

HĐQT sau đó đã họp và thống nhất bầu ông Ngô Khải Hoàn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hoàng Giang giữ chức Tổng Giám đốc.

VEAM (VEA) đón dàn lãnh đạo mới sau biến động Tổng Giám đốc bị khởi tố
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VEAM

Trước đó, ngày 10/06, VEAM nhận được thông báo từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội về việc khởi tố bị can và lệnh tạm giam với ông Phan Phạm Hà, cựu Tổng Giám đốc, về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, HĐQT VEAM quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Hà và miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm quy định lao động của Công ty.

Hồi tháng 10/2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc, và ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VEAM, cũng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Vào giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM đã lĩnh án do sai phạm trong việc vay Ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.

Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu Công ty mẹ đạt tổng doanh thu gần 6.414 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2023. Doanh thu tài chính vẫn là chủ đạo với hơn 5.861 tỷ đồng, còn lại hơn 495 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp và gần 58 tỷ đồng từ thương mại, dịch vụ. VEAM kỳ vọng đạt 5.489 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 19%.

Để tái cơ cấu, VEAM sẽ hoàn thiện kế hoạch khắc phục tồn tại để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị không hiệu quả và tập trung nguồn lực vào các công ty cùng ngành nghề. VEAM cũng có kế hoạch trả cổ tức 5.035 đồng/cp cho năm 2023, tuy nhiên phải chờ ý kiến chấp thuận từ Bộ Công Thương.

Lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu lên các sàn giao dịch chứng khoán là mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện do báo cáo tài chính vẫn còn một số ý kiến kiểm toán ngoại trừ. VEAM đã xử lý được 1/4 ý kiến ngoại trừ, và sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các tồn tại để đạt mục tiêu niêm yết.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn