Vĩ mô thuận lợi tạo đà cho xu hướng “đảo chiều” của dòng vốn ngoại
Tong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đón nhận các sự kiện hầu hết theo chiều hướng tích cực. Ảnh tư liệu

Đà bán ròng, rút ròng “hạ nhiệt”

Từ đầu năm đến nay, phần lớn thời gian khối ngoại luôn duy trì trạng thái bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, đặc biệt, giai đoạn tháng 5 - tháng 6 lượng rút ròng khá lớn. Tuy nhiên, diễn biến trong những phiên giao dịch gần đây đang mang đến tâm lý tích cực hơn, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đang cho thấy tín hiệu tìm đến những cổ phiếu lớn hấp dẫn. Ngoài ra, đà bán của nhóm ETFs đã giảm bớt trong tháng 9 và các thông tin tích cực cho thấy triển vọng khả quan cho TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Có thế hút vốn tỷ USD thông qua quỹ thụ động và chủ động

Theo dự báo của World Bank, nếu Việt Nam được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI vào năm 2025, có thể thu hút đến 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế đến năm 2030, thông qua cả dòng vốn thụ động và chủ động. Đối với các quỹ đầu tư thụ động như ETF (vốn đang đầu tư vào các thị trường mới nổi), việc Việt Nam được nâng hạng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào thị trường này.

Số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong tháng 9, dòng vốn vào thị trường phát triển không có nhiều sự khác biệt so với thị trường đang phát triển. Tiền vào thị trường đang phát triển là 21,4 tỷ USD, trong đó phần lớn là từ các quỹ ETF phân bổ vào thị trường Trung Quốc (15,5 tỷ USD), tập trung vào nửa cuối tháng 9. Dòng tiền cũng cho thấy có tín hiệu bắt đầu quay lại khu vực Đông Nam Á.

Theo đánh giá của SSI, dòng tiền của quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam thường có độ trễ so với các nước khác trong khu vực. Với xu hướng vào ròng ở Malaysia và Indonesia, kỳ vọng các quỹ chủ động sẽ tiếp tục xu hướng phân bổ tỷ trọng vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trên TTCK Việt Nam, tháng 9 vừa qua cũng đánh dấu sự cải thiện rõ nét ở dòng tiền khối ngoại. Giá trị rút vốn của các quỹ ETF trong tháng 9 ghi nhận 713 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm. Áp lực rút vốn vẫn tập trung nhiều nhất ở quỹ Fubon (-627 tỷ đồng), quỹ này đã bị rút ròng -5.100 tỷ đồng kể từ đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các quỹ DCVFM VN30 (-195 tỷ đồng), VanEck (-109 tỷ đồng) và SSIAM VNFIN Lead (-26 tỷ đồng) tiếp tục bị rút ròng nhưng với quy mô giảm dần.

Ở chiều ngược lại, quỹ DCVFM VNDiamond ghi nhận dòng vốn vào ròng 231 tỷ đồng lần đầu tiên sau 9 tháng rút ròng với tổng giá trị -10,25 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, quỹ KIM Growth VN30 ( mua 88 tỷ đồng) duy trì dòng vốn vào tích cực.

Các quỹ chủ động vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 9, với tốc độ hạ nhiệt hơn nhiều so với tháng 8. Đáng chú ý, dòng tiền từ các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại trong tuần cuối tháng 9 với xu hướng mạnh mẽ từ nhóm quỹ Thái Lan. Tính tổng chung, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút ròng khoảng 320 tỷ đồng trong tháng 9 (thấp hơn so với mức 600 tỷ đồng trong tháng 8).

Đón đầu cơ hội nâng hạng

Trong khi quy mô rút vốn của nhóm ETFs tiếp tục thu hẹp, các quỹ chủ động có dấu hiệu mua ròng trở lại qua kênh khớp lệnh và tập trung nhiều nhất ở nhóm chứng khoán, nhờ tác động tích cực từ lộ trình hỗ trợ giao dịch cho khối ngoại.

Những đấu hiệu tích cực trên nhờ vào việc Bộ Tài chính đã chính thức ban hành thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Sản phẩm này cũng giúp các quỹ đầu tư nước ngoài có thể chủ động dòng tiền và từ đó, cải thiện thanh khoản giao dịch.

Về định giá, chỉ số P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) cho năm sau được dự báo khoảng 10,1 lần. Tương tự, chỉ số P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) cũng có thể giữ quanh 1,6 lần. Cả hai mức trên đều thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua và hấp dẫn hơn các nước Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan.

SSI dự báo, sang tháng 10, TTCK Việt Nam có khả năng tiếp tục đón nhận các sự kiện hầu hết theo chiều hướng tích cực. Theo quy mô vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch phân bổ dành cho nhóm VN30 đang ở mức 50% - cao nhất kể từ đầu năm nhờ giao dịch mạnh hơn ở nhóm ngân hàng và một số mã bất động sản trụ cột. Đồng thời, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết mạnh hơn về cuối năm 2024 và 2025 sẽ đưa TTCK quay lại xu hướng đi lên.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, chúng ta đã chứng kiến đà bán ròng suốt từ đầu năm tới nay với giá trị bán ròng rất lớn, tuy nhiên khi FED giảm lãi suất, dòng tiền đã có dấu hiệu đảo chiều và tái phân bổ tới thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Thời gian tới dòng vốn ngoại, các quỹ đầu tư sẽ có bước chuyển mình thâm nhập vào thị trường chứng khoán Việt Nam và giải ngân mua dần để đón đầu cơ hội nâng hạng.

Để thu hút dòng vốn ngoại, theo ông Phương, cơ quan quản lý cần cân nhắc tăng thêm sản phẩm cho thị trường, nhiều doanh nghiệp hiện đã hết room ngoại cho nên các nhà đầu tư ngoại đến sau không có khả năng mua được. Do đó, cần tăng thêm cổ phiếu tốt, những doanh nghiệp lớn nổi tiếng hoạt động hiệu quả tiếp tục lên sàn, tạo ra các sản phẩm mới để nhà đầu tư ngoại có thể mua vào.

“Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc nới room một số ngành nghề một số doanh nghiệp không nằm trong nhóm rủi ro, mở thêm room để nhà đầu tư ngoại có thể mua vào. Khi nhà đầu tư nước ngoài mang tiền tới mà không có hàng hóa, tiền mang tới không giải ngân được”, ông Phương nói./.