Vì sao cổ phiếu doanh nghiệp cao su tự nhiên nổi sóng?
Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá cao su tự nhiên đã tăng 28% từ đầu năm tới nay lên khoảng 175 USD/kg, đang ở quanh vùng đỉnh cao nhất 2 năm. Còn so với vùng đáy gần đây hồi tháng 10/2022 thì giá cao su đã tăng gấp rưỡi.
Ngành cao su thiên nhiên toàn cầu đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung do thay đổi thời tiết. Trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới tăng khoảng 9,1% trong khi sản lượng khai thác chỉ tăng 3,4%.
Giá cao su thiên nhiên thế giới bình quân quý I/2024 cao hơn khoảng 10-15% so với cùng kỳ và cao hơn 20% so với mức đáy trong quý III/2023. Agriseco Research dự báo xu hướng tăng của giá có thể còn tiếp diễn trong năm 2024 bởi sự thiếu hụt nguồn cung.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Chứng khoán Vietcap dẫn dự báo Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) rằng thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,3 triệu tấn nguồn cung vào năm 2024 và có thể kéo dài đến 2028. Nguyên nhân do sản lượng thấp từ Thái Lan và Indonesia, cũng như nhu cầu cải thiện từ Trung Quốc khi ngành công nghiệp ô tô hồi phục.
Các thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu phục hồi. Tiêu thụ dự kiến tăng 5% mỗi năm trong giai đoạn 3-5 năm tới nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu. Trong cơ cấu đầu ra của cao su thiên nhiên, lĩnh vực ô tô (lốp xe, phụ tùng ô tô,..) chiếm tới 70% lượng tiêu thụ.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) hiện là nhà sản xuất cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Cao su vẫn là mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất khi đóng góp khoảng 60% năm ngoái.
Tập đoàn này đang hưởng lợi khi cả giá bán và sản lượng đều tăng tốt trong giai đoạn đầu năm 2024. Với nhu cầu lốp xe ô tô tăng cao, nhất là xe điện, Chứng khoán DSC kỳ vọng mảng cao su sẽ còn tăng trưởng trong các quý còn lại.
Doanh thu từ mủ cao sao quý I tăng hơn 16% lên gần 3.400 tỷ đồng. Nguyên nhân do Trung Quốc (thị trường chiếm 80% thị phần xuất khẩu) đang gia tăng nhập khẩu cao su phục vụ ngành sản xuất ô tô điện đang mở rộng.
Do đặc tính cây trồng nên việc khai thác cao su diễn ra mạnh mẽ từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý II trở đi mới là thời điểm sản lượng của tập đoàn đạt đỉnh. DSC dự phóng mảng cao su của GVR có thể tăng trưởng 15% trong năm nay.
Hiện Thái Lan - nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới - đang phải khắc phục hậu quả thiên tai cùng với xu hướng chuyển đổi cây trồng của người dân. Nguồn cung theo đó tăng trưởng chậm do quốc gia này hạn chế mở rộng diện tích.
Nhà phân tích DSC ước tính tình hình thiếu cung sẽ diễn ra cho tới thời điểm lứa cao su trồng thay thế bắt đầu khai thác và các quốc gia khác bước vào thời kỳ năng suất cao (4-5 năm).
Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) là một trong những đơn vị sản xuất cao su thiên nhiên lớn trong cả nước với tổng quỹ đất đến 16.000 ha tại các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông và Campuchia. Cao su chiếm 74% nguồn thu doanh nghiệp trong năm ngoái.
Trong bối cảnh có thể thiếu hụt nguồn cung cao su trong năm 2024, Chứng khoán Vietcap dẫn thông tin ban lãnh đạo công ty kỳ vọng giá bán trung bình sẽ đạt 36,5 triệu đồng/tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp của mảng cao su đã tăng gần gấp đôi lên 25,7% trong quý I/2024 nhờ giá cao su hồi phục đáng kể. Giá bán cao su của Đồng Phú đã tăng mạnh trong quý đầu năm lên 40,9 triệu đồng/tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ.
Chứng khoán Vietcap kỳ vọng mảng kinh doanh cao su cốt lõi của Đồng Phú sẽ được hưởng lợi từ triển vọng tích cực hơn của thị trường cao su thiên nhiên. Phần diện tích cao su của công ty (41%) đang trong giai đoạn thu hoạch cao điểm và các đồn điền tái thiết giai đoạn 2013 - 2020 cũng sắp bước vào giai đoạn thu hoạch.
"Những yếu tố này sẽ đảm bảo năng suất cao su ổn định và giúp DPR có vị thế tốt để tận dụng tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đến 2028", báo cáo viết và chỉ ra biên lợi nhuận cũng có tương quan chặt chẽ với giá bán.
Công ty Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Mã: DRI) cũng là một trong những công ty cung ứng mủ cao su hàng đầu trên thị trường với sản lượng tiêu thụ hơn 15.000 tấn mủ/năm, nhà máy chế biến mủ 18.000 tấn/năm và sở hữu vườn cao su gần 8.600 ha.
Sau năm 2023 đầy khó khăn, công ty đã có tín hiệu khởi sắc trở lại trong quý I/2024. Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 41% lên gần 21 tỷ đồng, nhờ các yếu tố về thị trường đã trở nên tích cực hơn và giá cao su thế giới bình quân quý I/2024 cao hơn khoảng 10-15% so với cùng kỳ.
Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh của DRI sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ giá cao su thiên nhiên tăng cao, nhu cầu tiêu thụ phục hồi tại các thị trường xuất khẩu và triển vọng dài hạn của doanh nghiệp còn đến từ tiềm năng tín chỉ carbon.
Với tài nguyên sẵn có là rừng cao su cung cấp khả năng hấp thụ khí CO2, đây sẽ là cơ sở để công ty nhận được tín chỉ carbon trong tương lai. DRI hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong cải tạo rừng, xin cấp chứng nhận FCS, hướng tới đánh giá EUDR để nhận được tín chỉ carbon.
Cổ phiếu "bay cao"
Trong bối cảnh ngành cao su có khả năng thiếu cung, các doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ con sốt giá "vàng trắng", nhóm cổ phiếu liên quan ngành cao su theo đó cũng đang thiết lập mặt bằng giá tốt hơn.
Cổ phiếu GVR đang dẫn dắt nhóm cổ phiếu cao su khi tăng giá hơn 90% trong một năm gần nhất lên 35.100 đồng/cp, xấp xỉ quay về vùng đỉnh lịch sử 37.100 đồng/cp hồi tháng 11/2021. Đây là một trong các cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng ấn tượng nhất kể từ đầu năm khi lên giá hơn 65%, đạt vốn hóa hơn 140.000 tỷ đồng.
Ngoài hưởng lợi từ câu chuyện giá cao su tăng mạnh, GVR còn dự kiến hưởng lợi từ mảng khu công nghiệp khi KCN Nam Tân Uyên 3 dự kiến sẽ cho thuê 90ha đầu tiên, qua đó để đóng góp khoảng 130 tỷ đồng/năm từ thu nhập công ty liên kết.
Chứng khoán DSC còn kỳ vọng GVR sẽ nâng tổng diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng được đền bù lên đến 15.000 ha, ước tính đem lại tổng giá trị 27.000 tỷ đồng. Mỗi năm GVR có thể nhận được 800-900 tỷ đồng từ đền bù đất.
Tương tự là cổ phiếu DPR có mức tăng giá 38% kể từ đầu năm lên 43.500 đồng/cp, thiết lập đỉnh lịch sử của mã chứng khoán này. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp theo đó đạt gần 3.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu của Cao su Đồng Phú cũng được hỗ trợ bởi triển vọng ghi nhận khoản bồi thường từ chuyển đổi đất cao su, khi chuyển giao 101 ha đất cho UBND tỉnh Bình Phước để ghi nhận thu nhập tài chính hơn trăm tỷ đồng.
Việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp tại tỉnh Bình Phước cũng đẩy nhanh tiến độ KCN Bắc Đồng Phú (317 ha) vì dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý và chỉ chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng. Công ty cũng đang triển khai thêm dự án KCN Nam Đồng Phú 2 diện tích 480 ha.
Cổ phiếu DRI đã tăng hơn 65% trong một năm qua lên 14.400 đồng/cp, neo quanh vùng đỉnh cao nhất trong 2 năm qua. So với đầu năm, mã chứng khoán này đã tăng đến 89% và quay trở lại mức vốn hóa hơn 1.000 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông DRI khá cô đặc với 66% vốn nhà nước do CTCP Cao su Đắk Lắk (Dakruco - Mã: DRG) nắm giữ. Cổ đông này gần đây có động thái đăng ký bán 22,4 triệu cổ phiếu DRI theo chủ trương chuyển nhượng vốn từ 3/6 đến 2/7.
Xem thêm tại vietnambiz.vn