Vì sao Đạm Hà Bắc báo lỗ gần 100 tỷ đồng?
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã CK: DHB) vừa công bố BCTC bán niên đã được kiểm toán với doanh thu thuần nửa đầu năm đạt 1.967 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn nên công ty lỗ gộp 33,6 tỷ đồng. Cùng kỳ, công ty lỗ gộp 38,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng 34,6% lên 10,3 tỷ đồng thì chi phí tài chính giảm tới 50,4%. Chi phí tài chính nửa đầu năm nay của Đạm Hà Bắc ở mức 167,4 tỷ đồng, trong đó có 102,2 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tiết giảm 13,3% và 13,1% nhưng công ty vẫn lỗ thuần 292 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần 480,2 tỷ đồng). Trừ đi các chi phíN và nhờ có 192,8 tỷ đồng lợi nhuận khác, Đạm Hà Bắc lỗ sau thuế còn 99,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 479,8 tỷ đồng). So với báo cáo tự lập không có thay đổi đáng kể.
Riêng quý 2/2024, Công ty bất ngờ lỗ lớn 137 tỷ đồng,ngắt mạch 2 quý lãi liên tiếp trước đó. Chi tiết, trong quý 1, nhờ vào khoản lợi nhuận khác gần 142 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc vẫn báo lãi ròng đạt 38 tỷ đồng, trong khi cùng lỗ 129 tỷ đồng. Theo giải trình, khoản lợi nhuận khác này đến từ việc công ty được xóa nợ lãi tính trên lãi chậm trả trong năm 2023 từ ngân hàng Phát triển Việt Nam - khu vực Bắc Đôn.
Tương tự, quý 4/2023, Đạm Hà Bắc cũng được xóa đến 1.800 tỷ tiền nợ từ đề án tái cơ cấu các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp đã lãi trước thuế gần 860 tỷ đồng.
Lý giải về việc lỗ gần 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, Đạm Hà Bắc cho biết, tình hình sản xuất không thuận lợi do diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng mưa giông nhiều, đặc biệt là sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của công ty khiến các dây chuyền sản xuất phải ngừng đột xuất, ảnh hưởng lớn đến thiết bị.
Đạm Hà Bắc cho hay, khi công ty khắc phục được các sự cố do điện lưới, chạy máy trở lại thì phát hiện có phát sinh rò thiết bị nên phải ngừng máy dài ngày để khắc phục và kết hợp đại tu bảo dưỡng, sửa chữa lớn.
Vì vậy, thời gian chạy máy giảm 45 ngày so với kế hoạch, không có sản phẩm. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt giá than vẫn giữ ở mức cao.
Nêu ý kiến về bản báo cáo tài chính của Đạm Hà Bắc, cơ quan kiểm toán kết luận, ngoại trừ việc công ty đã ghi nhận nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, chưa có đủ cơ sở để đưa ra tính hiện hữu và đầy đủ với các khoản nợ, cũng như các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai liên quan đến việc quyết toán dự án trên.
Kiểm toán viên nhấn mạnh, tại ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của công ty đang thấp hơn nợ ngắn hạn 77,5 tỷ đồng, cho thấy vẫn còn yếu tố không chắc chắn trọng yếu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tính đến 30/6/2024, Đạm Hà Bắc có 962,8 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, giảm 234,4 tỷ đồng so với đầu năm; nợ ngắn hạn là 1.040,3 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi được cơ cấu các khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh khu vực Bắc Đông Bắc về việc xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả, giảm lãi suất các khoản vay, cơ cấu tài chính của công ty đã được cải thiện, đồng thời vốn chủ sở hữu lớn hơn lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6.
Như vậy, với kết quả thua lỗ nửa đầu năm, lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc - từng là "cánh chim đầu đàn" của ngành phân đạm Việt Nam - đã lên tới 2.209,6 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 8/8, cổ phiếu DHB của Đạm Hà Bắc đang được giao dịch ở mức giá 8.700 đồng/cp.
Góp ý dự Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc ban soạn thảo cần xem xét, việc đưa thuế phân bón, máy móc nông nghiệp lên 5% đã hợp lý chưa?
Việc đưa mức thuế lên 5% giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được khấu trừ, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào là không thuyết phục.
Theo ông Cường, bởi các mặt hàng này đang được bán với mức giá không chịu thuế, sau này khi có thuế thì giá phân bón sẽ cao hơn, không thể thấp hơn. Cho nên không có chuyện thu thuế mà giá lại giảm đi.
Bên cạnh đó, phân bón sản xuất trong nước mới chiếm 70%, còn 30% phải nhập khẩu. Nếu VAT là 5%, giá phân bón nhập khẩu sẽ phải cao hơn giá bán hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu và khuyến khích doanh nghiệp trong nước được miễn giảm thuế.
Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội lưu ý, quy định như dự thảo chưa thuyết phục, nhất là khi nước ta coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, dự luật quy định mặt hàng này chuyển thành thuế suất 0% và cũng đưa vào diện được hoàn thuế. Như vậy, nếu như doanh nghiệp nào có chi phí đầu vào trên 300 triệu đồng thì được miễn giảm, giúp tránh đưa phần thiệt về phía nông dân.
Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn