FED sẽ thành công trong nỗ lực đưa kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”?
Theo một cuộc khảo sát từ Bloomberg đối với 123 nhà kinh tế, chỉ có 9 người (tức 7,3%) dự đoán đúng mức lãi suất mà FED cắt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 để chính thức bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ được thị trường tài chính chờ đợi từ lâu. Các nhà hoạch định chính sách cũng dự báo lãi suất chuẩn của FED sẽ giảm thêm 0,5% vào cuối năm nay, thêm 1% vào năm 2025 và cuối cùng đưa lãi suất về phạm vi 2,75% - 3% vào năm 2026. Với mức giảm trên, lãi suất quỹ liên bang của FED hạ về vùng 4,75 - 5%, từ mức 5,25 - 5,5% trước đó.
Trong chu kỳ thắt chặt khởi động vào tháng 3/2022, FED đã có 11 lần nâng lãi suất liên tiếp, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm. Trước đợt giảm này, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm từ tháng 7 năm ngoái.
Dự báo của các nhà kinh tế về khả năng cắt giảm lãi suất của FED. |
Như giới đầu tư thường lưu truyền câu nói “Don’t fight the FED” (đừng chống lại FED). Theo truyền thống, thị trường thường vật lộn trong ngắn hạn khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngay phiên 18/9 sau khi FED công bố quyết định giảm lãi suất, thị trường đã phản ứng theo cách "tin ra là bán". Tuy vậy, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng và lập kỷ lục mới ở phiên ngày thứ 5 sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm 12.000 chỉ còn 219.000, thấp hơn nhiều so với dự báo. Số liệu này củng cố niềm tin rằng, FED sẽ thành công trong nỗ lực đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Việc FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đã có tác động tích cực đến các thị trường nới nổi, trong đó có chứng khoán khu vực Đông Nam Á. Dòng vốn đầu tư quốc tế đã có dấu hiệu quay lại đối với các thị trường này. Chứng khoán Thái Lan đã tăng 9,2% trong vòng 1 tháng qua, Indonesia cũng tăng gần 5%… |
Trao đổi với PV TBTCVN, ông Ngô Quốc Hưng – Chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng: “Cho dù FED cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản và phản ứng tức thời của thị trường là tăng hay giảm, chúng tôi tin rằng điều này không theo kịp bức tranh toàn cảnh. FED cắt giảm không phải để ứng phó với một số cuộc khủng hoảng như Covid (2020), Khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007) hay Bong bóng Internet (2001) mà vì một lý do chính đáng. Lãi suất quỹ FED là hơn 5% trong khi lạm phát (CPI/PCE) đã giảm xuống còn khoảng 2,5%, để lại nhiều dư địa cho việc cắt giảm lãi suất để đưa lãi suất trở lại mức "trung lập"”.
Thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang ở đỉnh mọi thời đại và hiện vẫn cao hơn mọi mục tiêu giá cuối năm 2024 của các nhà chiến lược Phố Wall và cao hơn 15,6% so với mục tiêu trung bình (S&P 500: 4.861 điểm) trong khi vẫn còn hơn 3 tháng nữa. “Chúng tôi cho rằng, mặc dù vẫn có lo ngại tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” vẫn có xác suất cao hơn và do vậy, sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất sắp diễn ra” – ông Ngô Quốc Hưng cho hay.
Theo Goldman Sachs, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, sẽ có hàng nghìn tỷ USD đổ vào thị trường chứng khoán Mỹ, đưa chỉ số S&P 500 đạt mục tiêu 6.000 điểm vào giai đoạn cuối năm.
Việc FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đã có tác động tích cực đến các thị trường nới nổi, trong đó có chứng khoán khu vực Đông Nam Á. Chỉ số đồng USD (DXY) đã giảm 3% kể từ đầu tháng 8 và đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm. Tác động này đã làm “hồi sinh” một số đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có đồng VND.
Theo thống kê trong vòng 1 tháng qua, đồng Baht của Thái Lan (THB) đã tăng 3,83%, Ringgit của Malaysia (MYR) tăng 3,51%, Rupiah của Indonesia (IDR) tăng 2,07%, VND của Việt Nam cũng có mức tăng 1,55%… Theo đó, dòng vốn đầu tư quốc tế đã có dấu hiệu quay lại đối với các thị trường này. Chứng khoán Thái Lan đã tăng 9,2% trong vòng 1 tháng qua, Indonesia cũng tăng gần 5%…
Chỉ số VN-Index cuối năm ở khu vực 1.350 – 1.380 điểm
Đối với thị trường chứng khoán trong nước, dòng tiền ngoại cũng đã quay trở lại mua ròng 4 phiên liên tiếp trên sàn HSX, tập trung ở các cổ phiếu như: FPT, SSI, TCB, TPB, STB... Đây được coi là động lực quan trọng giúp chỉ số VN-Index hồi phục sau chuỗi điều chỉnh ngược dòng chứng khoán thế giới kể từ đầu tháng 9 và thanh khoản toàn thị trường xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm (theo tháng).
Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường kể từ đầu tháng 9 chỉ còn hơn 16.430 tỷ đồng từ mức 26.357 tỷ đồng ở tháng 6 và 19.368 tỷ đồng ở tháng 7.
“Đối với triển vọng thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn quý 4 cũng như cuối năm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên vùng giá mục tiêu cho chỉ số VN-Index ở khu vực 1.350 – 1.380 điểm” – Chuyên gia của MBS dự báo. |
Theo ông Ngô Quốc Hưng, chỉ số VN-Index đã phục hồi trở lại với 3 phiên tăng liên tiếp sau khi để mất một nửa số điểm (-52 điểm) ở nhịp tăng trong tháng 8. Về định giá, chỉ số này đã điều chỉnh về mức P/E bình quân 2 năm ở ngưỡng 1.240 điểm, đây là vùng hỗ trợ về định giá.
Về kỹ thuật, vùng 1.238 – 1.240 điểm cũng là hỗ trợ Fibonacci 50% của nhịp tăng ở tháng 8 vừa qua. Thị trường phục hồi trên nền thanh khoản thấp và kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ cho thấy nhịp điều chỉnh ngược dòng thế giới đã kết thúc. Vùng hỗ trợ 1.238 -1.240 điểm có thể đã mức đáy thứ 2 sau khi đã tạo đáy 1 ở đầu tháng 8 trong xu hướng tăng trung và dài hạn của VN-Index.
“Đối với triển vọng thị trường chứng khoán trong nước giai đoạn quý 4 cũng như cuối năm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên vùng giá mục tiêu cho chỉ số VN-Index ở khu vực 1.350 – 1.380 điểm” – Chuyên gia của MBS dự báo.
Chuyên gia của MBS cũng đã đưa một số thông tin hỗ trợ cho nhận định trên như: Chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đã chính thức bắt đầu; tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn trong kịch bản cơ sở ở mức 20%, khả quan 25%; các “nút thắt” đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell hay MSCI đang dần được tháo gỡ; và tăng trưởng tín dụng hướng tới đích 14%./.