Vì sao lãi suất huy động của ngân hàng lớn ‘bình chân’ ở đáy?

Nhìn lại biến động từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại nhỏ đã tăng mạnh so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại lớn.

Dữ liệu từ Wigroup - một đơn vị chuyên cung cấp giải pháp dữ liệu, cho thấy các ngân hàng thương mại nhỏ như Oceanbank, NCB, NamABank… đã tăng lãi suất từ đáy 4,5% lên tới 5,15%. Cao nhất có BacABank mới tăng lãi suất hôm 29/7 lên mức 5,75%. Trong khi các ngân hàng thương mại lớn hơn như: MBB, ACB, TCB, VPB…, lãi suất nhích tăng nhưng thấp hơn, từ 4,35% lên 4,8%. Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giữ nguyên ở mức đáy 4,68%.

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhỏ được nhận định đến từ nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu cạnh tranh để thu hút vốn.

Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty giải pháp dữ liệu Wigroup, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động của các nhóm ngân hàng gần như tương đương, khiến các ngân hàng thương mại nhỏ kém hấp dẫn hơn khi đứng cạnh so sánh với các ngân hàng lớn uy tín.

-1840-1722833290.png

Dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng lớn cũng có thể tăng từ 25 - 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại năm 2024.

Do đó, việc tăng lãi suất là biện pháp để tạo ra khoảng cách lãi suất hấp dẫn, thu hút người gửi tiền.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng các ngân hàng huy động vốn trên nhiều kênh khác nhau để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Mỗi kênh huy động là những bài toán quản trị khác nhau dựa trên định hướng chiến lược của từng ngân hàng. Huy động tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn truyền thống và phổ biến nhất, chiếm từ 70-80% cơ cấu tiền gửi.

Chẳng hạn, nhóm ngân hàng quốc doanh bao gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV có lợi thế về uy tín nhà nước cùng với mối quan hệ với các tập đoàn lớn nên dễ dàng huy động tiền gửi không kỳ hạn. Những khoản tiền lớn từ các doanh nghiệp này thường xuyên được gửi vào ngân hàng dưới dạng tài khoản thanh toán để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Dù là tiền gửi không kỳ hạn, nhưng xét trên quy mô lớn thì tỷ lệ này sẽ vẫn duy trì ổn định, do đó ngân hàng có thể sử dụng những khoản tiền này để đầu tư ngắn hạn hoặc cho vay ngắn hạn mà không lo ngại về việc khách hàng rút tiền đột ngột. Đây là những nguồn vốn có chi phí vốn thấp, mang lại mức sinh lời (NIM) rất tốt cho ngân hàng.

Ngược lại, nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn có nguồn huy động kém linh hoạt. Nguồn tiền gửi không kỳ hạn chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu tiền gửi, khoảng 5%. Chính vì vậy, các ngân hàng này phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm, và cũng nhạy cảm hơn trước các đợt tăng lãi suất huy động. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, các ngân hàng này cũng là nhóm ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức điều chỉnh tăng từ 0,2-0,6 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trong những tháng cuối năm, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.

Ông Nguyên dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng lớn cũng có thể tăng từ 25 - 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại năm 2024, đạt mức 5% - 5,2% vào cuối năm.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn