Vì sao lãi suất huy động được dự báo khó tăng mạnh?
Theo dõi thị trường có thể thấy, lãi suất huy động đang trong xu hướng tăng, nhưng phần lớn là ở các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm. Mặt bằng lãi suất hiện tại ở kỳ hạn 12 tháng vẫn “neo” ở mức quanh 5%/năm - vẫn thấp hơn trước dịch COVID-19.
Chủ yếu tăng ở kỳ hạn ngắn
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích: Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng là theo xu hướng của các thị trường quốc tế và nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ.
“Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước", ông Quang chỉ rõ.
Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý III hoặc quý IV. |
Các chuyên gia đánh giá, lãi suất tăng lên là do cộng hưởng của nhiều yếu tố. Đầu tiên là nhu cầu vốn tăng khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.
Cùng với đó, xuất khẩu và FDI tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nên vốn cũng được đưa vào sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, thu nhập ổn định thúc đẩy tiêu dùng và bất động sản phục hồi cũng thúc đẩy cầu về vốn tăng lên.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, tốc độ tăng và mức tăng của lãi suất huy động mạnh hơn. Thống kê trong tuần đầu của tháng 6 đã có tới 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB. Mức tăng lãi suất từ 0,4 - 1,6%/năm tuỳ từng kỳ hạn.
Đáng chú ý, sau khi trải qua 4 lần tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn trong tháng 5, ABBank lại vừa tăng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn kể từ ngày 6/6 với mức tăng cao nhất lên đến 1,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 13 - 60 tháng lên mức 5,7%/năm.
Áp lực tăng lãi suất huy động không nhiều
Hầu hết các công ty phân tích thị trường dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhanh và mạnh, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về mức ở thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 50-100 điểm cơ bản từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng.
Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua trên toàn thị trường.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên cao cấp phân tích của Chứng khoán Phú Hưng, cho biết lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng mặt bằng bình quân dự kiến vẫn ở mức thấp trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận xét lãi suất huy động đã tăng khá nhanh. Lãi suất qua đêm hồi đầu năm chỉ khoảng 0,2% nhưng đến nay đã tăng lên gần 5% và đã sát dần với lãi suất đồng USD qua đêm là 5,25%, qua đó giảm bớt áp lực về tỷ giá.
Tương tự, lãi suất tiền gửi cũng đã nhích lên trong thời gian qua do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý III hoặc quý IV.
"Với lãi suất cho vay, tinh thần của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước là phấn đấu ổn định và giảm tiếp 1 - 2% qua những chính sách giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này cho thấy NIM ngân hàng sẽ tiếp tục bị thu hẹp, năm ngoái đã thu hẹp 3,6% xuống 3,5%, dự báo năm nay xuống còn 3% hoặc dưới 3%", ông Lực cho hay.
Ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) dự báo: “Lãi suất luôn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến thị trường chứng khoán, quyết định phân bổ dòng vốn vào các kênh đầu tư cũng như quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi tin tưởng môi trường lãi suất thấp khi liên tục hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp tăng trưởng. Dòng vốn nội có thể quay trở lại nhiều hơn khi nhà đầu tư nhận thấy lãi suất khó có cửa tăng nhiều”.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn