Vì sao loạt ngân hàng LPB, ABB, TPB không chia cổ tức?

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Khi công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư, một phần trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại chi trả cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên năm nay, câu chuyện hoàn toàn khác. Diễn biến kinh tế khó lường với tình hình tín dụng, lãi suất chưa rõ ràng, một số ngân hàng công bố kế hoạch không chia cổ tức cho năm tài chính năm 2023 với nhiều lý do khác nhau.

ct

Giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, Ngân hàng TMCP An Bình (mã chứng khoán ABB) thông tin lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng tới 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023.

Về các chỉ tiêu khác, ABB thông tin tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ABB đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của Ngân hàng trong năm 2023 là 298,7 tỷ đồng.

Theo đó, cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABB đang là 1.840,7 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã chứng khoán TPB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vàongày 23/4 tới, với mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng tăng hơn 34%, đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước. Năm 2023, TPB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được 64% kế hoạch đã đề ra.

Trong năm 2024, TPB muốn tổng tài sản tăng 9,4% lên 390.000 tỷ đồng, trong khi tổng huy động tăng 3,3% lên 327.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đi lên 15,8%, đạt 252.821 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ xấu sẽ được TPB kiểm soát dưới 2,5%. 

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán bởi KPMG, TPB đạt lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 5.589 tỷ đồng. Sau khi nộp thuế thu nhập, trích các quỹ và nộp ngân sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng LC theo Kết luận số 324/TP-VPCP của Thủ tướng Chính phủ, lợi nhuận để lại là 3.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT TPB đề xuất sẽ giữ lại khoản lợi nhuận này và chưa phân phối. 

Giữa năm ngoái, TPB đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 39,19% từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 (1.536 tỷ đồng), thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã chứng khoán LPB) đã trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức trong vòng ba năm tới, nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm. Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của năm 2023, lợi nhuận còn lại các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng hiện đạt hơn 4.345 tỷ đồng...

Mặt khác, tại ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra ngày 17/4 tới đây, LPB sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được NHNN)và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định. Thời gian chào bán và các thông tin chi tiết khác vẫn chưa được công bố. Hiện vốn điều lệ của LPB đang là 25.576 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 33.576 tỷ đồng, thuộc nhóm các nhà băng có vốn cao nhất Việt Nam.

Techcombank, ACB, VIB mạnh tay trả cổ tức bằng tiền mặt

Trái với việc giữ lại lợi nhuận như TPB, LPB, ABB các ngân hàng như Techcombank, VIB, ACB lại đua trả cổ tức bằng tiền mặt.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã ck TCB) đã vừa tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 20/4.

CCT

Theo tài liệu này, Hội đồng quản trị Techcombank trình phương án trả cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu, tức một cổ phiếu nhận 1.500 đồng. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 5.283,7 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận, Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu. Theo lãnh đạo nhà băng, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.

Tương tự, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024. Theo đó, ngân hàng quyết định tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 12,5% (tương đương 1.500 đồng mỗi cổ phiếu).

Trước đó, VIB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/1 để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng và với hơn 2.536,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VIB đã chi tương ứng 1.522 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Có thể thấy, tỷ lệ chia cổ tức cao và cân bằng đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm, góp phần gia tăng sự tin tưởng và gắn bó của cổ đông dành cho ngân hàng cũng như tạo nguồn lực để ngân hàng tiếp tục các kế hoạch tăng trưởng.

Tại đại hội ngày 4/4 vừa qua, HĐQT ACB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, ACB chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT ACB cũng cho biết, tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Với mức chia cổ tức 2023 ở mức trên, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý 3/2024.

Ngoài ra, một số nhà băng khác như MSB, NamABank, OCB, SeABank tuy không chia bằng tiền mặt, cũng dự kiến chia cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, với tỷ lệ từ 13% đến 30%. Việc trả cổ tức bằng phát hành cổ phiếu bản chất là tách nhỏ cổ phiếu của cổ đông, song giúp ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa mở rộng danh mục tín dụng. Vì thế, việc trả cổ tức cổ phiếu cũng mang lại lợi ích cho cổ đông nắm giữ và kỳ vọng vào đà tăng giá dài hạn khi nhà băng kinh doanh hiệu quả.

Xem thêm tại taichinhdoanhnghiep.net.vn