Vì sao một số ngân hàng muốn chuyển trụ sở chính?

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa công bố biên bản họp đại hội cổ đông bất thường năm 2024, trong đó thông qua tờ trình về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng.

Trước đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) LPBank xin ý kiến cổ đông thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu, vị thế của ngân hàng, từ đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh doanh hiệu quả, năng động, chuyên nghiệp.

LPBank dự kiến chuyển địa điểm trụ sở chính hiện tại từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đến địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam - phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Việc quyết định vị trí cụ thể để đặt trụ sở chính của LPBank sẽ do HĐQT LPBank toàn quyền quyết định, bảo đảm đầy đủ điều kiện hoạt động an toàn, hiệu quả theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

LPBank không phải là ngân hàng đầu tiên dự kiến chuyển trụ sở chính trong năm nay.

-8618-1732092310.jpg

LPBank dự kiến chuyển địa điểm trụ sở chính trong năm nay.

Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức ngày 28/11 tới, HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bày tỏ mong muốn thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính ngân hàng từ TPHCM ra Hà Nội.

Trụ sở chính của Eximbank đang đặt tại Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM.

Trước đó, một số ngân hàng từng chuyển trụ sở chính là ABBank, VIB, BacABank, Kienlongbank, Vietbank…

Theo lý giải của giới phân tích, hầu hết các ngân hàng muốn chuyển trụ sở về cùng địa bàn với các cổ đông chủ chốt nhằm giúp nhà băng đó dễ dàng phối hợp trong các hoạt động kinh doanh, chiến lược phát triển và chia sẻ nguồn lực. Ngoài ra, điều đó cũng có thể hỗ trợ những nhà băng này trong việc thực hiện các sáng kiến chiến lược nhanh chóng và hiệu quả hơn khi có sự đồng hành chặt chẽ của cổ đông lớn.

Chẳng hạn, việc Eximbank xem xét chuyển trụ sở chính ra Hà Nội diễn ra trong bối cảnh vào đầu tháng 8, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex đã mua lại gần 175 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ nhà băng này và trở thành cổ đông lớn nhất.

Tập đoàn Gelex hiện có trụ sở chính tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài Gelex, Viecombank cũng vừa trở thành cổ đông lớn của Eximbank. Hai tổ chức này có ảnh hưởng lớn tại thị trường miền Bắc, việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra Hà Nội cũng là một bước đi chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện và mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực này. Sự hiện diện trực tiếp tại Hà Nội sẽ giúp Eximbank thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường, khai thác hiệu quả các mối quan hệ mà các cổ đông chủ chốt có thể mang lại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị phần tại khu vực.

Đặc biệt, Gelex và Viecombank đều có kinh nghiệm và yêu cầu cao trong công tác quản trị rủi ro và phát triển bền vững, điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho Eximbank.

Cũng chuyển trụ sở chính về gần cổ đông chiến lược trong thời gian qua còn có ABBank, Kienlongbank… Theo đó, ABBank chuyển trụ sở chính về tòa nhà Geleximco - là trụ sở chính của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco, cổ đông lớn thứ hai của ABBank với tỷ lệ sở hữu 12.78%, sau Malayan Banking Berhad (16.4%).

Đại diện ABBank từng nêu rõ lý do cho cổ đông vì sao chuyển trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội, là vì hầu hết thành viên HĐQT, BKS, Ban Tổng Giám đốc và đội ngũ lãnh đạo đều làm việc tại Hà Nội.

Trong khi đó, trụ sở tại 170 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) không đáp ứng được nhu cầu công việc trong bối cảnh nhân sự liên tục gia tăng, chưa kể kế hoạch phát triển nhân sự cho các năm tiếp theo.

Trong tờ trình đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết cơ sở đề xuất việc chuyển trụ sở chính của LPBank đến địa điểm khác phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2…

LPBank cũng đánh giá, việc chuyển trụ sở chính đến địa điểm khác sẽ giúp khu vực đó được tăng nguồn lực tài chính, hỗ trợ đầu tư và triển khai các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn được thuận lợi tiếp cận vốn ưu đãi nhằm đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng…

Tương tự, việc chuyển địa điểm trụ sở của KienLongBank về địa chỉ tòa nhà Sunshine 16 Phạm Hùng, Hà Nội, được đại diện ngân hàng cho biết là nhằm đáp ứng nhu cầu về quản trị, vận hành, nâng cao hình ảnh thương hiệu Kienlongbank tại thị trường miền Bắc nói riêng và kế hoạch mở rộng kinh doanh, kế hoạch tăng trưởng của ngân hàng cho các năm tiếp theo.

Trước đó, một số ngân hàng chuyển trụ sở chính vì chọn được vị trí đắc địa tại các trung tâm kinh tế tài chính lớn không chỉ thuận lợi cho việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng, mà còn tập trung nhiều giao dịch kinh tế quan trọng.

Như ở Thủ đô Hà Nội, không khó để quan sát những tuyến đường lớn, đại lộ trung tâm như Trần Quang Khải, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt… đều có sự hiện diện của những ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank…

Hay như tại TPHCM, xung quanh khu vực Ngân hàng Nhà nước bên sông Sài Gòn cũng tập trung khá đầy đủ các tên tuổi ngân hàng uy tín trong nước.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn