Vì sao ngân hàng giảm lãi, tăng nợ xấu?

Giới phân tích nhận định kinh tế khó khăn, nợ xấu là vấn đề khó tránh. Tuy nhiên, điểm tích cực trong năm nay đó là chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của nhóm ngân hàng sẽ dần được cải thiện dần nhờ vào môi trường kinh doanh khả quan hơn và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Nhiều ngân hàng hụt chỉ tiêu lợi nhuận

Cập nhật đến chiều ngày 29/1/2024 có 20 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh được đánh giá là "sống khoẻ" với tăng trưởng lợi nhuận vượt kế hoạch, đều giữ tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng hụt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Theo thông tin từ ABBank, lợi nhuận trước thuế năm 2023 ghi nhận 513 tỷ đồng, không đạt mục tiêu. Như vậy, nhà băng đã bị lỗ trong quý IV/2023.

-4670-1706516665.gif

Nhiều nhà băng hụt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận, nợ xấu cũng phình to (Ảnh minh họa)

Theo lý giải của đại diện ABBank, kết quả kinh doanh năm 2023 không như mong đợi của ABBank phản ánh hai thực tế: Một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng; Hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.

Ngoài ABBank còn có một số ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận lỗ như NCB, PG Bank...

Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2023, PGBank ghi nhận mức âm 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái từng lãi 95 tỷ đồng. Cả năm, ngân hàng thu về lợi nhuận sau thuế là 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với năm 2022.

Tương tự, NCB trong quý cuối cùng của năm thu nhập lãi thuần ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của khách hàng NCB. Đồng thời, lãi suất tiền gửi năm 2023 tăng cao so với năm 2022, đặc biệt là các khoản tiền gửi khách hàng có lãi suất huy động cao giai đoạn trước 30/9/2023 đã ảnh hưởng đến chi phí lãi của ngân hàng.

Một số nhà băng cũng ghi nhận lợi nhuận quý IV giảm so với cùng kỳ năm trước như VIB, MSB, TPBank, Eximbank,

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2022. Ngân hàng cũng không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 5.000 tỷ đồng khi chỉ mới thực hiện 54,4% kế hoạch đã đề ra.

TPBank cũng ghi nhận lãi trước thuế giảm tới 67% trong quý IV và giảm 29% trong cả năm 2023, chỉ còn 5.590 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng nhanh

Có thể thấy, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của nhiều ngân hàng, đồng thời chất lượng tín dụng nhiều ngân hàng có dấu hiệu đi xuống. Ngay cả với một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp với định hướng hạn chế tham gia vào các mảng cho vay rủi ro cao cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả 3 nhóm như tại NCB, tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 chiếm gần 30% tổng dư nợ và tăng 92% so với cuối năm 2022. Trong đó, nợ nhóm 3 và 4 giảm mạnh, trong khi tăng vọt ở nhóm 5, từ 3.280 tỷ đồng lên 13.665 tỷ đồng.

Theo quy định, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng phải tăng dần lên từ 20% với nợ nhóm 3 lên 50%, với nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 là 100%.

Năm qua, NCB tăng rất mạnh khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận nhưng đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất đối với các khoản tín dụng tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

Tương tự, tại ACB, cuối năm qua, nợ xấu đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023.

Đáng chú ý, dù quy mô nợ xấu tăng, song đây vẫn là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống khi chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay

Trong khi đó, với các ngân hàng có dư nợ tín dụng lớn đối với một số lĩnh vực có độ rủi ro cao, nợ xấu tăng mạnh.

Điển hình, chất lượng tài sản của Techcombank xấu hơn, khi nợ xấu tăng gần gấp đôi về giá trị tuyệt đối, từ mức 3.032 tỷ đồng lên mức gần 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng tương ứng từ mức 0,74% lên 1,19%.

Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 691 tỷ đồng quý IV/2022 lên 1.634 tỷ đồng quý IV/2023. Tính chung cả năm, Techcombank đã phải dành ra 3.921 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng hơn gấp đôi so với con số 1.936 tỷ đồng năm 2022.

Còn tại TPBank, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% hồi đầu năm lên 2,05%.

TPBank đã phải dùng tới 1.970 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV, gấp 17 lần cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 1.855 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ngân hàng phải trích lập 3.946 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm trước.

Năm 2023, VIB cũng tăng cường trích lập dự phòng với mức trích lập gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, dù nợ xấu giảm nhẹ xuống mức 2,2%.

MSB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên mức 1.647 tỷ đồng, tăng 244% so với năm 2022 trong bối cảnh tổng nợ xấu tính đến cuối năm của ngân hàng này ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm.

Nhiều nhà băng cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh, như BaoViet Bank với 1.654 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm; BacABank với gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm; PGBank với 906 tỷ đồng, tăng 22%...

Kinh tế khó khăn, nợ xấu là vấn đề khó tránh. Tuy nhiên, điểm tích cực, theo nhiều đơn vị nghiên cứu, tốc độ hình thành nợ xấu mới sẽ chậm lại và chi phí tín dụng được kiểm soát trong năm 2024.

Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (Visrating) dự báo: "Chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của nhóm ngân hàng sẽ dần được cải thiện dần nhờ vào môi trường kinh doanh khả quan hơn và lãi suất duy trì ở mức thấp”.

Các chuyên gia của Visrating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành của các ngân hàng sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng sẽ dần được cải thiện trong bối cảnh điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Dự báo lợi nhuận toàn ngành sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay và nhu cầu tín dụng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Huyền Anh



Xem thêm tại vnbusiness.vn