Vì sao nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu mới, tranh mua IPO?
Cổ phiếu giảm sâu ngay khi vừa lên sàn
Quan sát cho thấy rằng, hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch mới (không kể các trường hợp chuyển sàn) kém sôi động trong năm 2023. Đây là một diễn biến không mới so với năm 2022 - 2021. Tình trạng đìu hiu năm 2023 có thể lý giải khi thị trường vừa trải qua cú lao dốc năm 2022, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản thấp kéo dài sang 4 tháng đầu năm 2023.EndFragment
Tuy nhiên từ giữa đến cuối năm 2023, thanh khoản thị trường dần khởi sắc cùng những triển vọng kinh tế hồi phục, là môi trường phù hợp cho các tân binh lộ diện. Nhiều cái tên như BCG Land, Nova Consumer, Tôn Đông Á, Bia Sài Gòn Bình Tây đã đưa cổ phiếu lên UPCoM cuối năm và đầu năm nay lại xuất hiện nhiều đơn vị mới.
Điểm nhận thấy trong 2023, thị giá cổ phiếu có hiện tượng lao dốc ngay thời gian đầu đưa vào giao dịch.
Khởi đầu năm 2023 chính là VNZ của CTCP VNG. Mã này tham gia thị trường UPCoM vào tháng 1/2023 với loạt phiên trắng thanh khoản. VNZ tăng trần trong 2 tuần đầu tháng 2/2023, song gần như không có giao dịch. Khi khối lượng giao dịch bắt đầu đạt vài ngàn đơn vị cũng là lúc thị giá quay đầu giảm khoảng 33% từ đỉnh. VNZ sau đó chủ yếu đi ngang với thanh khoản thấp trở lại kéo dài 6 tháng (bình quân chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên).
Một đại diện đến từ ngành chứng khoán, cổ phiếu của Chứng khoán An Bình (Mã: ABW) rơi tự do ngay khi vừa xuất hiện trên bảng điện. Chỉ sau 3 phiên, ABW đã giảm 27%, về 11.600 đồng/cp vào 1/6/2023. Thị giá sau đó đi ngang 2 tháng.
Tôn Đông Á từng nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), song sau đó doanh nghiệp lại rút hồ sơ và quyết định đăng ký giao dịch trên UPCoM. Nguyên do là kết quả kinh doanh lỗ trong 2022.
Cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á được đưa vào giao dịch UPCoM ngày 7/9/2023 với giá tham chiếu 30.000 đồng/cp. GDA lao dốc khoảng 24% sau chưa đầy 1 tháng, về vùng 23.000 đồng/cp vào 27/9.
Tại đợt IPO vào tháng 3/2022, 137 nhà đầu tư đã mua 15,35 triệu cổ phiếu GDA với giá 40.000 đồng/cp, bằng với giá tối thiểu chào bán. Mức giá chào bán này thậm chí đã được giảm so với phương án ban đầu, với lý do bối cảnh thị trường chứng khoán tiêu cực.
Hai tháng cuối năm 2023, thị trường đón nhiều cái tên mới. Đơn cử, 120 triệu cổ phiếu NCG của CTCP Tập đoàn Nova Consumer đưa vào giao dịch trên UPCoM ngày 9/11/2023 với giá tham chiếu 38.000 đồng/cp. Ngay trong ngày đầu tiên, NCG đã giảm tối đa biên độ (40%), về 22.800 đồng/cp. Thị giá không có dấu hiệu hồi phục và sau đó tiếp tục giảm dần về đáy 14.100 đồng/cp phiên 20/12/2023.
Thị giá kết phiên 4/1 tại 14.800 đồng/cp. Như vậy, sau gần 2 tháng đưa vào giao dịch tại UPCoM, thị giá NCG đã giảm hơn 60%. Vốn hóa thành viên Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) bốc hơi gần 2.800 tỷ đồng về 1.773 tỷ đồng. Thị giá lúc chào sàn và hiện tại của NCG đều thấp hơn so với 44.000 đồng/cp tại đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2022.
Không rơi sâu trong phiên chào sân như NCG, cổ phiếu BCR của BCG Land khởi sắc ngày đầu lên UPCoM nhưng chứng kiến đà giảm 7 phiên liên tiếp kể từ khi chào sàn vào 8/12/2023. Tổng mức giảm về đáy (8.000 đồng/cp phiên 18/12/2023) là 33%.
Diễn biến tại SBB của Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây gần như tương tự. Cổ phiếu ngành bia giảm chóng vánh 32% sau 6 phiên đầu tiên. Thị giá chạm đáy 14.800 đồng/cp vào 19/12/2023, và gần như đi ngang sau đó.
Cũng trong tháng 12/2023, thị trường đón chào 25 triệu cổ phiếu Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Mã: SBG). SBG khởi đầu thuận lợi trên sàn HOSE với 2 phiên tăng trần. Sau đó cổ phiếu đảo chiều kể từ phiên thứ ba và kéo dài đến đầu năm 2024. SBG kết phiên 3/1 tại 15.800 đồng/cp, cao hơn giá chào sàn là 15.000 đồng và thấp hơn 18% so với đỉnh lập vào 4/12/2023.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu mới hạ nhiệt
Diễn biến kém sắc của các cổ phiếu lần đầu giao dịch trên thị trường tập trung không quá mới lạ. Trong quá khứ giai đoạn 2018, nhà đầu tư từng chứng kiến những hoạt động IPO rầm rộ của bộ ba ngành dầu khí Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), PV Power (Mã: POW) hay PV OIL (Mã: OIL).
Trước khi được đưa vào giao dịch, đây đều là nhóm doanh nghiệp được chú ý bởi vốn hóa lớn, vị thế dẫn đầu trong ngành cùng triển vọng kinh doanh còn rộng cửa.
Tuy nhiên, cả BSR, POW hay OIL đều chung xu hướng giảm từ khi đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Phải mất nhiều năm sau đó, BSR, POW và OIL mới lại mức giá khi chào sàn.
Cơn sóng của cổ phiếu chào sàn trở lại năm 2020 trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh, thanh khoản dồi dào. Dòng tiền liên tục đổ vào thị trường, những cổ phiếu mới lên sàn cũng được được nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù vậy, sau giai đoạn tăng nóng, thị giá các mã này cũng đảo chiều chóng mặt khi thị giá rơi tự do theo mẫu hình cây thông. Nhà đầu tư có thể gặp thiệt hại lớn nếu đu mua cổ phiếu vùng giá cao.
Các diễn biến trên khiến nhà đầu tư không còn quá mặn mà với “game chào sàn”.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Rõ ràng hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch được cơ quan quản lý khuyến khích. Việc gia tăng cổ phiếu giúp thị trường đa dạng rổ hàng hóa, tăng vốn hóa thị trường, mở rộng thanh khoản. Nhà đầu tư có thêm lựa chọn, đa dạng hóa danh mục.
Từ phía doanh nghiệp, họ có lợi về gia tăng thương hiệu được biết đến nhiều hơn, thu hút được sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước, mở ra cơ hội trong hoạt động kinh doanh và huy động vốn.
Về mặt rủi ro, các doanh nghiệp mới lần đầu xuất hiện trên bảng điện thường lạ lẫm, ít thông tin mà nhà đầu tư nắm bắt rõ ràng, kể đến như sự cam kết nắm giữ của cổ đông lớn/cổ đông chiến lược, sức khỏe tài chính, các vấn đề nội tại, tiềm năng phát triển đến đâu... Lúc này, nhóm người nội bộ hoặc quan hệ mật thiết với doanh nghiệp rõ ràng có lợi thế hơn hẳn so với số đông nhà đầu tư cá nhân.
Do đó, khi nhà đầu tư thiếu khả năng thẩm định doanh nghiệp, am hiểu ngành nghề và tham gia mua đuổi trong những phiên đầu tiên, hay mua IPO có thể lỗ nặng sau đó. Với thực trạng này, nhà đầu tư cần tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng doanh nghiệp chuẩn bị hoặc vừa chào sàn, hoặc chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Xem thêm tại vietnambiz.vn