Vì sao nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ?

Nhiều ngân hàng đang gấp rút hoàn tất kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng... khi thời điểm kết thúc năm 2024 cận kề. Nếu hoàn thành, mỗi nhà băng có thể tăng thêm hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ dự kiến tăng mạnh

Mới nhất, Vietbank thông báo ngày 29/11 là thời hạn đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tính đến ngày 31/12/2023.

Theo kế hoạch, Vietbank sẽ phát hành thêm 142,8 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 5.711 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng, tăng thêm 1.428 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của LPBank ngày 16/11 vừa qua cũng đã thống nhất phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%. Dự kiến vốn điều lệ của LPBank sau phát hành cổ phiếu sẽ tăng lên tối đa là 29.873 tỷ đồng, vào nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán.

-2779-1732715088.jpg

Nhiều ngân hàng đang gấp rút hoàn tất kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu...

HDBank mới đây cũng đã nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, HDBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua.

Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng.

Bac A Bank cũng vừa công bố Nghị quyết triển khai điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ lên 10.538 tỷ đồng thông qua phương án phát hành 62,1 triệu cổ phiểu để trả cổ tức và phát hành 96 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Trong khi đó, Eximbank thông báo được NHNN chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ từ gần 17.470 tỷ đồng lên gần 18.700 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Eximbank tăng thêm 1.219 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng thông qua.

Có thể thấy, thời gian qua, các ngân hàng thương mại tư nhân có những lần tăng vốn thần tốc. Đơn cử, Techcombank tăng thêm 34.150 tỷ đồng, lên mức 70.450 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. VPBank tăng vốn điều lệ thêm 20.000 tỷ đồng trong hai năm liên tiếp 2021 và 2022 lên mức 79.339 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống…

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh lại bị tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ. Thống kê cho thấy, cách đây 10 năm, vốn điều lệ của 3 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank và BIDV) là 98.071 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống, nhưng đến nay chỉ còn chiếm 25%. Trong giai đoạn này, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng quốc doanh chỉ tăng 1,7 lần lên 166.595 tỷ đồng, còn nhóm các ngân hàng tư nhân tăng 2,7 lần lên 512.250 tỷ đồng.

Trước vấn đề cấp bách tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh, dự kiến ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Nếu được Quốc hội thông qua, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng – vươn lên đứng đầu hệ thống ngân hàng, vượt hai ngân hàng đang dẫn dầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Tăng vốn để cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu, cho rằng việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ là cần thiết, quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển, tăng cường năng lực tài chính.

“Những ngân hàng có chiến lược kinh doanh đáng tin cậy, triển vọng lợi nhuận tốt thì có hy vọng hoàn thành trong năm nay. Trong khi đó, một số ngân hàng có thể phải kéo dài kế hoạch tăng vốn sang năm tiếp theo”, ông Hiếu dự đoán.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, bên cạnh việc tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính, một mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là tăng vốn để giải quyết tình trạng nợ xấu đang tăng nhanh.

Trong thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho áp lực nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên. Trên thực tế, báo cáo tài chính quý III/2023 của các nhà băng đã phản ánh rất rõ câu chuyện này. Theo báo cáo tài chính quý III/2024 của 29 ngân hàng, nợ xấu đã ở mức gần 259.000 tỷ đồng, tăng 56.400 tỷ đồng, tương đương 27,8% so với đầu năm.

Còn số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành (bao gồm các ngân hàng yếu kém) ở mức 4,55%.

Sự gia tăng nhanh chóng của nợ xấu đến cuối quý III/2024, trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, đã đặt ra bài toán lớn cho ngành ngân hàng. Bức tranh nợ xấu là một tín hiệu cảnh báo. Nếu không có các biện pháp kiểm soát, hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính đáng kể trong tương lai gần.

Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng cũng giảm xuống. Tất cả những điều này khiến cho các nhà băng phải tăng vốn và tăng cường phòng thủ.

“Để tăng cường nguồn lực tài chính, ngân hàng có thể phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn chủ sở hữu. Tăng vốn giúp nâng cao khả năng an toàn vốn, tạo điều kiện phát triển bền vững và cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đồng thời giảm rủi ro cho toàn bộ hệ thống”, một chuyên gia nhìn nhận.

Trên lý thuyết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%. Khi rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ CAR sẽ sụt giảm, dẫn đến các ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo an toàn.

Về bản chất, tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ không làm tỷ lệ CAR của các ngân hàng tăng lên, nhưng sẽ giúp các nhà băng củng cố bộ đệm vốn, duy trì hệ số này ổn định.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn