Vì sao sếp ngân hàng 'ưu ái' cho vay bất động sản?
"Cho vay bất động sản đã bớt rủi ro"
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với đầu năm.
Trong đó, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Cho vay bất động sản vốn được cho là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các ngân hàng thương mại. Dẫu vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, việc cho vay đối với lĩnh vực vẫn an toàn hơn cả trong mắt nhiều nhà băng.
Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng do NHNN tổ chức ngày 20/2, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, cho rằng so với cho vay tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh, việc cho vay bất động sản dù sao vẫn an toàn hơn, bởi tài sản đảm bảo là nhà đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng.
Ngay cả khi khủng hoảng, ngân hàng cho vay cũng không bao giờ lo mất sạch vì tài sản đảm bảo là bất động sản vẫn còn đó.
Trong khi đó, cho vay sản xuất kinh doanh là lĩnh vực cần ưu tiên nhất, nhưng nếu dẫn đến nợ xấu thì mất luôn.
“Cùng lắm ngân hàng thu hồi được đống nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Nhưng có ai làm được gì đâu, họ (doanh nghiệp sản xuất – PV) còn chẳng làm được, nói chi ngân hàng. Đó là lý do vì sao ngân hàng thích cho vay bất động sản”, CEO VPBank nói.
Ông Vinh phân trần thêm: “Cầm cái nhà vẫn có thể bán được, không bán được năm nay thì hai năm sau vẫn bán được. Cho vay những cái kia, khi khách vào đường túng quẫn thì tìm cách xù nợ".
Tại BIDV, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc, cho biết dư nợ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 22% tổng số dư nợ trong lĩnh vực bất động sản, chủ yếu tập trung cho vay các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, ngân hàng đang cho vay hơn 205.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, hơn 20.000 tỷ đồng cho vay kinh doanh bất động sản và 185.000 tỷ đồng cho vay liên quan đến bất động sản.
Dư nợ cho vay bất động sản tại Agribank năm nay không tăng trưởng, điều này cho thấy người dân đang lựa chọn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư.
Lãnh đạo Agribank đưa ra dự báo thời gian tới sẽ rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân do việc tháo gỡ những vướng mắc về luật đất đai, luật nhà ở,… của chính quyền địa phương còn rất chậm, nhiều dự án tồn đọng đến 1-2 năm.
Ông Vượng đề xuất, NHNN cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại những vướng mắc. Đồng thời đề xuất các giải pháp như các TCTD sẽ làm việc trực tiếp với các Hiệp hội hay các doanh nghiệp để trực tiếp tìm ra khó khăn vướng mắc; các bộ ngành sớm tháo gỡ những vướng mắc ở các dự án cũ và mới.
Tăng cho vay bất động sản
Trong số các ngân hàng công bố chi tiết dư nợ cho vay theo từng lĩnh vực tại báo cáo tài chính quý IV/2023, Techcombank có tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ lớn nhất, với tỷ trọng 35,22% tại thời điểm 31/12/2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%.
VPBank đứng thứ hai với tỷ trọng cho vay bất động sản là 19%, trong khi cuối năm 2022 là 14,39%.
Một số nhà băng khác cũng tăng mạnh tỷ lệ cho vay bất động sản như SHB tăng từ 8,33% lên 15,45%; MB tăng từ 4,91% lên 7,49%.
MSB ghi nhận mức tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96% tổng dư nợ, TPBank tăng từ 6,31% lên 7,12%, trong khi tỷ lệ này tại Saigonbank giữ nguyên ở mức 6%.
Trong khi ở chiều ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về tỷ lệ này song mức giảm rất nhẹ. BVBank ghi nhận mức giảm nhẹ từ 14,4% xuống 13%, PGBank giảm từ 8% xuống còn 6%, KienLong Bank giảm từ 6,6% xuống 4% và VIB giảm từ 0,86% xuống 0,63%.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đối với lĩnh vực cho vay bất động sản, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục rà soát, phân loại các dự án để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án NOXH, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động; chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở.
Đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Lãi suất không phải là vấn đề chính?
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 được NHNN giao cho các ngân hàng thương mại là 15%. Tuy nhiên, tín dụng nói chung lại trong tháng 1/2024 lại giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Phân tích thêm về tình hình tín dụng hiện nay, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã giảm theo yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay không phải là vấn đề của thị trường.
Thực tế sức mua vẫn rất yếu, lĩnh vực cho vay mua nhà chiếm tỷ lệ lớn trong các ngân hàng cổ phần. Năm 2023 cho vay trong lĩnh vực này sụt giảm, năm 2024 cũng khó mà tăng được khi các dự án bất động sản vẫn đang "bất động".
Xem thêm tại vietnamnet.vn