Vì sao tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu giảm tốc, và có bất thường?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tăng tốc mạnh từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6. Nhưng đến ngày 17/7 đã ghi nhận giảm trở lại, chỉ còn 5,3%.

Nguyên nhân nào khiến tăng trưởng tín dụng thụt lùi trong nửa đầu tháng 7?

Vì sao tăng trưởng tín dụng 6 tháng có sự bứt tốc vào cuối quý II/2024? Một số chuyên gia cho rằng có thể có sự "chạy đua" quyết liệt trong giải ngân của các tổ chức tín dụng để đạt hạn mức tín dụng đề ra của kỳ bán niên, cũng như đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh "đẹp".

Bên cạnh đó, tín dụng tăng trở lại là do nhu cầu vốn đi theo sự phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, "Với một dòng tiền ồ ạt hàng trăm nghìn tỷ đổ ra trong cuối quý II, dĩ nhiên đà tăng trưởng tín dụng đầu tháng 7 sẽ chậm lại, chờ hấp thu hết nguồn vốn được cấp, cũng như chờ một nhịp phục hồi mới dài hơi và ổn định kéo đến quý III, đặc biệt quý IV", một chuyên gia nhận định.

-4250-1722507647.jpg

Tăng trưởng tín dụng ghi nhận giảm trở lại trong nửa đầu tháng 7, sau khi bứt tốc vào cuối quý II/2024.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục, vì vậy xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.

Báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng dư nợ tích cực, nhưng có sự phân hóa khá mạnh. Điển hình tại Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng đạt 592.083 tỷ đồng, tăng 14,2%; ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%; LPBank tăng 15,2%, đạt 317.395 tỷ đồng; SeABank có tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 185.959 tỷ đồng; Vietbank cũng công bố tăng trưởng dư nợ đạt 10%, cao hơn bình quân hệ thống; NCB cho vay khách hàng đạt 64.198 tỷ đồng, tăng trưởng 16%; PGBank cho vay đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 2,4%; BaoVietBank có quy mô tín dụng đạt 49.728 tỷ đồng, tăng trưởng 4,24%...

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, khẳng định ngân hàng này tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, với tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt 12% vào cuối năm nay.

Để đạt được mục tiêu, từ nay đến cuối năm, Vietcombank tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay, dù áp lực lãi suất huy động vốn đang tăng lên.

Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ

Các nhà băng cho biết, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển biến tích cực. Dòng vốn tập trung vào một số ngành sản xuất phục hồi tốt như lâm thuỷ sản, nông nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu.

Xét theo lĩnh vực, theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 5/2024, những ngành tăng trưởng cao hơn trung bình gồm có công nghiệp (tăng 5,6% so với cuối năm 2023) và thương mại (3,8%).

Đặc biệt, tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên có sự bứt phá. Ví dụ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng 9,8% và công nghệ cao tăng 18,2%. Tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản cũng cao hơn trung bình, đạt 4,6% vào cuối tháng 5. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, trong khi tín dụng dành cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ 1,2%.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh tăng sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng tích cực hơn.

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, NHNN đang điều chỉnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, qua đó khơi thông dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: "Chúng tôi cũng đang tiến hành đánh giá về gói 120.000 tỷ, làm thế nào để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giải ngân một cách tốt nhất. NHNN cũng đã có đề xuất Chính phủ, sau khi được Chính phủ chấp thuận, chúng tôi sẽ tăng cường thêm nhiều ưu đãi cho gói này, tăng thêm lãi suất ưu đãi từ 2% lên 3%, và thời hạn kéo dài 5 năm. Mức lãi suất cho 5 năm tiếp theo có thể sẽ giảm 1-2% để tạo điều kiện cũng như để khách hàng yên tâm vay tiền mua nhà".

Ngoài ra, nguồn vốn cho gói tín dụng này không chỉ bó hẹp với 4 ngân hàng có vốn nhà nước mà còn thu hút các ngân hàng thương mại tư nhân cùng tham gia. "Hiện đã có thêm 4 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói này với mức đăng ký thêm 20.000 tỷ đồng, nâng quy mô của gói tín dụng lên 140.000 tỷ đồng", ông Tú nói.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác như gói tín dụng dành cho lâm, thuỷ sản với quy mô ban đầu 15.000 tỷ đồng nhưng chưa đầy 1 năm đã được giải ngân hết và có khả năng sẽ được nâng lên mức 30.000 tỷ đồng.

Đại diện Agribank cho hay, ngân hàng đã nâng quy mô gói tín dụng cho vay lâm thuỷ sản lên 8.000 tỷ đồng, tăng thêm 5.000 tỷ đồng so với cam kết ban đầu. Hiện nay, Agribank đã giải ngân được 7.000 tỷ đồng. “Với tín hiệu phục hồi của ngành lâm thuỷ sản, nếu gói tín dụng này hết, ngân hàng sẽ đề xuất NHNN tăng thêm quy mô của gói, hoặc sẽ chủ động trỉển khai các gói tín dụng ưu đãi của mình ”, đại diện Agribank thông tin.

Theo ước tính của các chuyên gia VDSC, tăng trưởng tín dụng 7 tháng vẫn đạt khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, gần sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của NHNN là 15%.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn