Vì sao tự doanh bán ròng gần 4.300 tỷ đồng cổ phiếu khi VN-Index lọt Top10 chỉ số tốt nhất thế giới?
Tự doanh đẩy mạnh bán ròng khi VN-Index nằm trong Top 10 chỉ số tốt nhất thế giới
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tâm điểm là nhóm ngân hàng đưa VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự như 1.200 điểm và 1.250 điểm trong quý I/2024. Chỉ số đã có hơn 4 tháng tăng điểm liên tiếp kể từ thời điểm bắt đầu hồi phục trong tháng 11/2023.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của quý đầu năm (29/3), VN-Index ở 1.284,09 điểm, tăng 13,64% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tích cực hơn, VN30-Index tăng 14,62%.
Với kết quả ấn tượng trên, Việt Nam nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong quý đầu năm, xếp sau một số thị trường như Ireland (13,66%), Italy (13,8%), Nikkei 225 (20,63%), Argentina (30,52%).
Thị trường giao dịch tích cực, song tín hiệu từ dòng tiền lớn không mấy sáng cửa khi cả khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán có chiều hướng gia tăng giá trị bán ròng trên thị trường.
Theo thống kê từ dữ liệu do Sở Chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố, tự doanh bán ròng 3.577 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn này qua kênh khớp lệnh và 694 tỷ dồng bằng phương thức thỏa thuận. Tổng cộng giá trị bán ròng cổ phiếu là 4.271 tỷ đồng, đột biến so với mức 951 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái.
Áp lực bán có phần gia tăng trong tháng 3 khi tự doanh nâng quy mô rút ròng lên 2.565 tỷ đồng trên HOSE với kênh khớp lệnh. Đây là giá trị ghi nhận cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây và là tháng thứ hai liên tiếp tự doanh bán khớp lệnh trên 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động bán ròng từ khối tự doanh tiếp tục liên quan đến câu chuyện các ETF nội bị rút ròng khiến các đơn vị phải bán ra cổ phiếu để thực hiện nghĩa vụ tài chính cho các nhà đầu tư. Theo thống kê, khối tự doanh đã mua ròng 5.620 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền trong quý I/2024, chủ yếu là ETF nội.
Kể từ tháng 12/2023, khối này liên tiếp mua vào hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Cao điểm trong tháng 3 vừa qua, nhóm này mua trên 3.000 tỷ đồng.
Những mã nào là tâm điểm của dòng tiền tự doanh?
Trong tháng 3, khối tự doanh mua ròng mạnh nhất hai chứng chỉ quỹ nội là DCVFMVN Diamond (2.566,5 tỷ đồng), DCVFMVN30 (357 tỷ đồng), SSIAM VNFin Lead (139,2 tỷ đồng).
Dòng tiền tự doanh còn tìm đến một số bluechip như HPG (234 tỷ đồng), VNM (155,4 tỷ đồng), GAS (153,2 tỷ đồng), VPB (120,6 tỷ đồng), FCN (101 tỷ đồng). Dòng tiền tự doanh còn tìm đến một số mã vốn hóa lớn khác như SSI, VHM, PC1 và HDG với giá trị mua ròng 50 – 100 tỷ đồng.
Ở chiều bán ra, cổ phiếu rổ VN Diamond là tâm điểm rút ròng từ khối tự doanh xuất hiện ở các mã như FPT (517,7 tỷ đồng), MWG (415,8 tỷ đồng), GEX (284,4 tỷ đồng), TCB (267,7 tỷ đồng), GMD (234 tỷ đồng), PNJ (210 tỷ đồng).
Tổng hợp dữ liệu cả quý I/2024, chứng chỉ quỹ DCVFMVN Diamond (FUEVFVND) được mua ròng 4.203 tỷ đồng, kế đến là E1VFVN30 (879,4 tỷ đồng) và SSIAM VNFin Lead (512 tỷ đồng). Sau giai đoạn liên tiếp bị rút ròng, giá trị tài sản ròng của quỹ DCVFMVN Diamond ETF giảm còn gần 16.000 tỷ đồng khoảng cách với ETF lớn nhất thị trường là Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan, Trung Quốc) càng bị nới rộng.
Về phần giao dịch cổ phiếu, như phần lý giải ở trên, việc các ETF nội bị giảm quy mô khiến các tổ chức tạo lập quỹ phải bán ra cổ phiếu để đối ứng, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Kết quả là, nhiều bluechip bị tự doanh xả mạnh trong quý I như FPT (601 tỷ đồng), MWG (528 tỷ đồng), MBB (518 tỷ đồng).
Song, mã bị bán mạnh nhất phải kể đến NVL của Novaland với giá trị dẫn đầu thị trường (739 tỷ đồng). Trong nhiều tháng qua, các công ty chứng khoán vẫn đang thực hiện giải chấp cổ phiếu NVL để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu của nhà phát triển bất động sản này.
Theo quan sát, nhóm bị bán ròng từ 350 tỷ đồng đến 450 tỷ đồng còn có một số mã vốn hóa lớn như TCB, CTG, PNJ, EIB, GMD và VPB. Chưa hết, ròng tiền tự doanh còn rút khỏi các cổ phiếu ngân hàng như ACB, HDB, VIB, TPB, VCB, NAB.
Thống kê dữ liệu từ Algo Platform, cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng 3.280 tỷ đồng trong quý I/2024, theo sau đó là bán lẻ (1.002 tỷ đồng), bất động sản (621 tỷ đồng) và công nghệ (601 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, VIX được tự doanh mua nhiều nhất với 277 tỷ đồng. Những mã khác ghi nhận giá trị vào ròng 100 – 200 tỷ đồng có EVF, VNM, GAS, VHM, HPG, HSG và FCN.
Xem thêm tại vietnambiz.vn