Vì sao USD tăng giá mạnh?

Đồng USD đang tăng giá mạnh và chạm mức cao nhất so với các đồng tiền chủ chốt khác trong gần 20 năm.

Vì sao USD tăng giá mạnh?

Đồng USD đang tăng giá mạnh và chạm mức cao nhất so với các đồng tiền chủ chốt khác trong gần 20 năm.

Đây là tin tốt lành cho những người Mỹ có ý định đi du lịch ở nước ngoài trong mùa hè này, nhưng trên Phố Wall, đây là nguồn cơn cho nỗi lo ngại lớn.

“Đồng USD quá mạnh sẽ tạo thêm một cơn gió ngược cho lợi nhuận”, Michael Wilson, Chiến lược gia cổ phiếu tại Morgan Stanley, nói với khách hàng trong tuần này.

Chỉ số đồng USD tăng 4% trong tháng qua và gần 13% so với đầu năm, trong khi các đồng tiền chủ chốt khác lại suy giảm.

Đồng Euro giảm 12% trong năm nay. Trong ngày 12/07, đồng tiền chung châu Âu chạm ngưỡng ngang giá với USD lần đầu tiên trong 20 năm, khi nỗi lo về kinh tế châu Âu khiến nhà đầu tư bán tháo các khoản nắm giữ bằng Euro. Đồng Bảng Anh cũng giảm về mức từng thấy trong những ngày tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19.

Đà tăng của USD bắt nguồn từ những đợt tăng lãi suất của Fed – vốn giúp Mỹ trở thành nơi hấp dẫn để rót tiền. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, USD tăng giá vì nhiều lý do khác.

Đầu tiên, USD thường được xem là vịnh tránh bão. Khi nỗi lo về nền kinh tế toàn cầu gia tăng, nhà đầu tư thường mua USD như một kênh lưu trữ giá trị (store of value).

“Trong môi trường né tránh rủi ro hiện tại, đà tăng của USD có thể tiếp tục trong ngắn hạn”, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho biết trong báo cáo nghiên cứu gần đây.

Các đồng tiền trú ẩn khác không tăng mạnh như thế. Đồng Franc Thụy Sỹ tăng gần 8% trong năm nay, trong khi đồng Yên Nhật biến động mạnh và hiện chạm mức thấp nhất so với USD kể từ năm 1998. Điều này một phần là do nền kinh tế Mỹ trông mạnh hơn các nền kinh tế khác.

Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng và điều này đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tình thế khó khăn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Một số quan chức lo ngại đường ống dẫn Nord Stream 1 từ Nga tới Đức – vốn đang đóng cửa để bảo trì – có thể không thể hoạt động bình thường trở lại trong tháng này. Điều này buộc các chính phủ phải đưa ra các động thái can thiệp bất thường.

Trong khi đó, Anh quốc đang tê liệt vì khủng hoảng chính trị khi cuộc chiến tranh chức Thủ tướng Anh đã được khởi động. Còn Nhật Bản đang tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, chọn hỗ trợ nền kinh tế thay vì kìm hãm đà tăng của lạm phát.

Một đồng USD mạnh có thể giúp người Mỹ có thêm sức mua khi ra nước ngoài. Nhưng chuyên gia Wilson cho rằng đây không hẳn là điều tốt lành cho chứng khoán vì sẽ bào mòn doanh số và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ có hoạt động ở nước ngoài.

Doanh nghiệp Mỹ có 30% doanh số từ nước ngoài, ông ước tính. Và ngay lúc họ đang phải chật vật trước tác động của lạm phát, hàng tồn kho dư thừa và sự thay đổi nhu cầu, đồng USD mạnh sẽ như một cú đấm bồi vào doanh nghiệp.

“Đồng USD mạnh là một lý do khác để cho rằng lợi nhuận sẽ đi xuống trong vài mùa báo cáo tới”, Wilson cho biết. “Do đó, đà tăng gần đây của chứng khoán có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FILI