Vì sao VN-Index lại hụt hơi trước mốc 1.300 điểm?
Phóng viên: Diễn biến thị trường cho thấy, ngưỡng 1.300 điểm tiếp tục là một thách thức với VN-Index. Theo ông, đâu là lực cản khiến chỉ số sàn HOSE vẫn chưa chinh phục lại được vùng điểm này?
Ông Trương Hiền Phương: Tôi cho rằng, lực cản đầu tiên là về mặt tâm lý. Trong đầu tư chứng khoán có hai trường phái đầu tư, gồm đầu tư theo phân tích cơ bản dựa vào chỉ số tài chính của doanh nghiệp và đầu tư theo phân tích kỹ thuật sử dụng mô hình tín hiệu kỹ thuật qua phần mềm.
Cả hai trường phái này đều đề cập tới ngưỡng điểm nhất định mà chỉ số hướng đến. Ở giai đoạn hiện nay là ngưỡng 1.300 điểm là ngưỡng kháng cự. Với phân tích kỹ thuật ngưỡng này là ngưỡng kháng cự mạnh, với phân tích cơ bản là ngưỡng tâm lý quan trọng.
Nhà đầu tư thường có tâm lý bán trước khi chỉ số VN-Index chinh phục được vùng điểm là ngưỡng kháng cự hay ngưỡng tâm lý, dù chỉ lời ít. Họ có tâm lý sợ không vượt được giá sẽ điều chỉnh.
Yếu tố nữa, dù không phải là lực cản nhưng làm cho điểm số thiếu động lực đó là hiện thị trường đang ở vùng trũng thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đã qua đi. Với thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì nhà đầu tư cũng đã nhắc đến nhiều, chưa phản ứng tích cực thêm.
Cuối tuần qua, Fed phát tín hiệu về khả năng cao giảm lãi suất vào tháng 9, lập tức thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ nhưng thị trường Việt không hưởng ứng nhiều. Tâm lý nhà đầu tư trong nước khá thận trọng, dường như họ chờ điều gì đó có tính tác động mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, về mặt tâm lý với một số nhà đầu tư thì tháng 7 âm lịch cũng hạn chế giao dịch, đầu tư…
Phóng viên: Vậy nếu tháng 9, Fed chính thức hạ lãi suất thì thông tin này có tạo được sức bật cho VN-Index?
Ông Trương Hiền Phương: Tôi tin là có. Thời gian tới, không riêng gì tháng 9, nếu nội tại trong nước không có thông tin tiêu cực thì thị trường thế giới lẫn trong nước sẽ bùng nổ khi đón nhận thông tin Fed chính thức giảm lãi suất. Đây là lý do để nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân nhiều hơn, vượt qua khỏi tâm lý thận trọng trước giờ.
Khi Fed hạ lãi suất thì hầu hết các NHTW trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ phản ứng theo để điều tiết thị trường tiền tệ trong nước. Bên cạnh đó, khi Fed hạ lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD, lợi tức đầu tư không còn được như trước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp trước đây rút về Mỹ sẽ có khuynh hướng đảo chiều, chảy trở lại các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam. Cộng thêm dư địa NHNN có thêm công cụ điều tiết thị trường tiền tệ linh hoạt.
Các thông tin trên sẽ tác động tích cực tới tâm lý trên thị trường, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ linh hoạt từ NHNN. Động thái mới nhất, NHNN vừa qua đã dừng phát hành tín phiếu để hút tiền, chuyển sang bơm ròng tiền ra nền kinh tế.
Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là vùng điểm VN-Index sẽ đạt được cuối năm?
Ông Trương Hiền Phương: Tôi cho rằng, bước qua tháng 9, thị trường chứng khoán sẽ cởi bỏ được tâm lý thận trọng liên quan tới động thái từ Fed. Đây sẽ là phát súng khởi mào cho sự chuyển biến tích cực thị trường chứng khoán thế giới cũng như trong nước, thay đổi trạng thái từ thận trọng, giao dịch lình xình sang giao dịch tích cực, giúp cho VN-Index lẫn thanh khoản tăng tốt.
Cần nói thêm, nếu các xung đột địa chính trị trên thế giới không theo hướng nghiêm trọng hơn thì với các yếu tố phân tích ở trên, chứng khoán sẽ theo hướng tích cực dần đều tới cuối năm. VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.300 tới tiệm cận 1.400 điểm.
Phóng viên: Trong con sóng nhỏ vừa qua, cổ phiếu bất động sản thu hút được dòng tiền giúp nhiều mã phục hồi. Ông có bình luận gì về diễn biến này cũng như có nhận định gì về triển vọng thị trường bất động sản lẫn cổ phiếu ngành này?
Ông Trương Hiền Phương: Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến cổ phiếu bất động sản được thu hút đầu tư vì thứ nhất đến từ tiềm thức của nhà đầu tư, gắn liền với văn hoá thích đầu tư bất động sản của người Việt. Theo đó, cổ phiếu bất động sản vô tình nằm trong tiềm thức của nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán.
Vừa rồi, nhà đầu tư đánh giá thị trường lẫn cổ phiếu ngành này khó giảm sâu hơn nên tham gia giải ngân. Thị trường xuất hiện nhiều thông tin tích cực từ doanh nghiệp bất động sản như Novaland, Phát Đạt, Vinhomes, Đất Xanh… như công bố dự án mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, lợi nhuận tốt hơn trước. Nhà đầu tư cảm nhận được sự hồi sinh của doanh nghiệp, đánh giá doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Dòng tiền tham gia mua cổ phiếu ngành Bất động sản vì nhận thấy đã chiết khấu mạnh. Nhiều mã như NVL đã giảm từ hơn 10x xuống trên mệnh giá, PDR cũng tương tự giảm còn trên dưới 2x. Nhìn vào lịch sử giá, nhà đầu tư đánh giá giá cổ phiếu ngành này đã ở mức hợp lý để mua vào. Mua vào ở vùng giá hiện nay, nếu có rủi ro cũng thấp hơn lợi nhuận kỳ vọng đạt được trong tương lai nên dòng tiền đổ vào bắt đáy.
Về triển vọng, ngành Bất động sản có thể nói đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, các doanh nghiệp bất động sản đã tìm thấy tia sáng cuối đường hầm. Giai đoạn đóng băng thị trường đã qua, nhiều dự án mở bán, dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản đang rục rịch trở lại. Theo đó, tôi tin cổ phiếu ngành này còn tăng trưởng nữa trong giai đoạn từ nay tới cuối năm.
Phóng viên: Cảm ơn ông chia sẻ!
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn