VIB đang gặp thách thức trong xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2024 được VIB công bố, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 10.358 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần giảm 8,3% khi còn đạt hơn 7.981 tỷ đồng, với tăng trưởng tín dụng tại cuối quý 2/2024 đạt 4,6% so với cuối năm 2023 - thấp hơn nhiều so mức trung bình toàn ngành.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi của VIB tăng 30,6% so với cùng kỳ, với đóng góp từ thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro, hoạt động ngoại hối, thu nhập từ phí...

Báo cáo từ VIB cho biết, do tập trung vào phân khúc khách hàng chất lượng tốt, có tài sản đảm bảo tốt, cùng với việc đưa ra thị trường nhiều gói sản phẩm bán lẻ lãi suất cạnh tranh, nên có sự giảm nhẹ về biên lãi ròng (NIM), ở mức 4,2%.

Tuy vậy, chi phí hoạt động của VIB đã tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước, đẩy tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) lên mức 35,5%; cùng với đó là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 2.075 tỷ đồng.

Với chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế của VIB trong 6 tháng đầu năm đã giảm 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.684 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch cả năm mà ngân hàng đã đề ra.

Như vậy, lợi suất sinh lời trên vốn (ROE) hiện ở mức 21,4%. Báo cáo của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, do thanh khoản trên thị trường bất động sản vẫn còn thấp, đặc biệt là ở khu vực miền Nam cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt, thì VIB đang gặp phải một số thách thức trong việc xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng. ROE của VIB sẽ dao động ở mức 18-19% trong các năm tới, giảm so với mức đỉnh 30% trong năm 2022 khi chi phí tín dụng tiếp tục duy trì ở mức cao để đối phó với chất lượng tài sản.

Bởi theo báo cáo tài chính quý 2/2024, nợ xấu của VIB tiếp tục tăng 5,9% so với quý 1/2024 và tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023, lên 10.244 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024. Đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức 3,7% trong nửa đầu năm, tăng so với mức 3,2% hồi cuối năm 2023. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 18% so với cuối quý 1/2024 lên gần 4.206 tỷ đồng.

Với việc thu hồi nợ xấu vẫn còn chậm, SSI Research cho rằng, áp lực về chất lượng tài sản cũng như gánh nặng trích lập dự phòng tại VIB vẫn còn trong nửa cuối năm 2024. Nên tỷ lệ nợ xấu của VIB sẽ không cải thiện so với cuối năm 2023, có thể vẫn ở mức cao là 3,3% trong năm 2024 và cải thiện xuống 3,1% trong năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm, VIB đã hoàn tất 2 đợt chi trả cổ tức tiền mặt với tổng mức cổ tức tương ứng 12,5% vốn điều lệ. Hiện tại, VIB đang triển khai các thủ tục chi trả 17% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu cùng 11 triệu cổ phiếu thưởng ESOP cho gần 2.000 cán bộ nhân viên trong quý 3/2024.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn