VIC giúp VN-Index nối nhịp hồi phục, 'cổ chứng' dè dặt trước thông tin KRX

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 14/4, thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài đà hồi phục. Chỉ số VN-Index tăng hơn 7 điểm, lên gần mốc 1.230 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt gần 13.672 tỷ đồng, vượt trung bình 10 phiên gần nhất, cho thấy lực cầu vẫn đang hoạt động tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền đã có sự phân hóa rõ rệt.

Tại nhóm VN30, có 13 mã tăng, 1 mã đứng giá và 16 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – Công ty CP là tâm điểm chú ý khi tăng trần với khối lượng dư mua gần 1,3 triệu đơn vị. Tại mức giá 69.600 đồng/cp, vốn hóa của Tập đoàn Vingroup đạt khoảng 266.126 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC giúp VN-Index nối dài nhịp hồi phục

Cùng hệ sinh thái, cổ phiếu VHM và VRE cũng ghi nhận diễn biến tích cực, lần lượt tăng 4,86% và 3,09%. Sự đồng thuận của “bộ ba họ Vin” cùng đà tăng mạnh mẽ từ các mã MWG (+5,48%), HPG (+4,12%), BCM (+2,85%)... góp phần quan trọng giúp chỉ số VN30 giữ được sắc xanh, chốt phiên tại 1.316,64 điểm.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các ngân hàng lớn như TCB, TPB, BID, VCB, MBB, STB,... đồng loạt điều chỉnh, giảm từ 1% đến 2%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán – vốn từng được kỳ vọng hưởng lợi từ hệ thống giao dịch KRX – lại phản ứng khá dè dặt với thông tin mới được hé lộ. VND, SBS, VIX, SSI là những cổ phiếu tiêu biểu giữ được sắc xanh. Trái lại, FTS, SHS, BSI, CTS, AGR, HSC,… suy yếu rõ rệt.

Tại nhóm thủy sản, dòng tiền ổn định giúp nhóm này nối dài nhịp hồi phục. Bộ đôi VHC và ANV đều giữ sắc tím đến hết phiên sáng, trong khi các mã khác như IDI, CMX, FMC đồng loạt tăng từ 2% đến 3,5%.

Riêng ANV đã có phiên tăng trần thứ ba liên tiếp. Trước đó, ông Doãn Tới – Tổng giám đốc kiêm cổ đông lớn nhất – khi đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu. Ông Tới khẳng định đây là hành động “xuất trận” nhằm cứu giá cổ phiếu trong giai đoạn khó khăn, thể hiện vai trò dẫn dắt và cam kết đồng hành cùng cổ đông.

Diễn biến khởi sắc tại nhóm thuỷ sản

Sắc tím cũng lan rộng sang nhóm phân bón – hóa chất. DGC, LAS, CSV tăng trần, trong khi DPM, BFC, DCM, DDV tăng từ 3 – 4%. Các nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, bán lẻ, công nghệ... tiếp tục phục hồi, tuy nhiên dòng tiền vẫn phân hóa mạnh. Nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào các mã đầu ngành hoặc có câu chuyện riêng, thay vì đầu tư lan tỏa như giai đoạn hưng phấn trước đó.

Về phía giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 423 tỷ đồng trên sàn HOSE. Áp lực bán chủ yếu rơi vào các mã vốn hóa lớn như FPT, SHB, VPB, VNM, CTG, SSI, mỗi mã bị bán từ 50 – 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG tiếp tục là điểm sáng, được mua ròng hơn 254 tỷ đồng.

Tính từ vùng đáy 1.072 điểm được thiết lập vào ngày 9/4, chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 160 điểm, phản ánh tâm lý tích cực và lực cầu cải thiện rõ nét trên thị trường. Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số hiện đã tiệm cận vùng kháng cự quan trọng 1.240 – 1.250 điểm.

Theo góc nhìn lạc quan từ Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường vẫn duy trì sức mạnh nội tại và hoàn toàn có thể vượt qua vùng cản này. CSI đặt kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục vùng 1.275 – 1.300 điểm trong nhịp hồi phục hiện tại.

Trái lại, Chứng khoán Vietcap tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng áp lực chốt lời có thể xuất hiện ngay tại vùng 1.235 – 1.240 điểm, khi nhiều cổ phiếu đã tăng “nóng” trong thời gian ngắn và thị trường cần thêm thời gian tích lũy trước khi bước vào một pha tăng bền vững hơn.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn