Việt Nam có nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Dương: DN gần 60 năm tuổi đang kinh doanh ra sao?

Tiền thân của CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) là Nhà máy Cà phê CORONEL, được thành lập năm 1968. Đây không chỉ là nhà máy cà phê đầu tiên của Việt Nam mà còn là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương.

Năm 2024, doanh nghiệp này chuyển đổi loại hình doanh nghiệp - từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Và đến năm 2011, công ty chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM.

Việt Nam có nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Dương: DN gần 60 năm tuổi đang kinh doanh ra sao?
- Ảnh 1.

Hiện, Vinacafé Biên Hòa hiện kinh doanh các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hoà tan, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc dế mèn. Ngoài phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm còn được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đến nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…

Về hoạt động kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VCF đạt 1.062 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng giá vốn nhanh hơn khiến lãi gộp đi lùi 12% xuống còn 198 tỷ đồng; biên lãi gộp thu hẹp từ mức 23% cùng kỳ về dưới 19%.

Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt xấp xỉ 187 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành gần 43% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm ở kịch bản thấp. Còn nếu với kịch bản cao, VCF mới chỉ hoàn thành khoảng 38% (2.800 tỷ đồng) mục tiêu doanh thu và 37,3% kế hoạch lợi nhuận (500 tỷ đồng).

Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm, VCF cho biết, do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi doanh số bán hàng không tăng đủ để bù đắp sự gia tăng này, dẫn đến biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Việt Nam có nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Dương: DN gần 60 năm tuổi đang kinh doanh ra sao?
- Ảnh 2.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của VCF đã đạt 2.828 tỷ đồng, trong đó số đó, phải thu ngắn hạn ghi nhận 848 tỷ đồng (phần lớn là các khoản đặt cọc ngắn hạn cho hoạt động đầu tư chiếm tới 73,5%), phải thu dài hạn đạt 806 tỷ đồng.

Tổng nợ của VCF đạt gần 529 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 524,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ với hơn 233,6 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của VCF đã ghi nhận mức 2.299,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1.790 tỷ đồng.

Việt Nam có nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên ở Đông Dương: DN gần 60 năm tuổi đang kinh doanh ra sao?
- Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023.

Vinacafé Biên Hòa là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao trong những năm qua. Từ năm 2011 đến nay, doanh nghiệp này luôn đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ cao nhất lên tới 660% vào năm 2017.

Mới đây, công ty cũng đã có thhông báo sẽ chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 25.000 đồng. Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VCF sẽ cần chi gần 665 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của VCF khá cô đặc với cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Masan Beverage nắm giữ đến 98,79% cổ phần. Phần còn lại là cổ đông nước ngoài, với số lượng 84 cổ đông.

Do cơ cấu cổ đông cô đặc nên cổ phiếu VCF thường xuyên rơi vào tình trạng "trắng" thanh khoản, giá cổ phiếu gần như không thay đổi và chỉ "điều chỉnh" ở những ngày chốt quyết nhận cổ tức.

Xem thêm tại cafef.vn