Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chăn nuôi Thú y về lợn toàn cầu: Cơ hội cho doanh nghiệp 'bứt phá'
Chăn nuôi lợn luôn là ngành chiếm trí quan trọng trong nông nghiệp tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Cùng với sự gia tăng nhu cầu do gia tăng dân số và phát triển kinh tế, tổng sản lượng thịt lợn phải được gia tăng về số lượng và chất lượng với quy mô toàn cầu.
Các công nghệ cao được áp dụng để tăng năng suất và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên vấn đề dịch bệnh vẫn luôn là thách thức lớn cho ngành. Dịch bệnh không còn lưu hành một địa phương mà có khả năng lây lan giữa các quốc gia, châu lục trong một thế giới kết nối như hiện nay.
Để vượt qua những thách thức đó, những người làm việc liên quan lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên lợn trên khắp thế giới phải cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, quan điểm và cơ hội nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi và quản lý sức khỏe đàn lợn nuôi bền vững.
Tổ chức quốc tế về sức khỏe lợn - IPVS (International Pig Veterinary Society) được thành lập vào năm 1967 với hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Cambridge (Vương quốc Anh) vào năm 1969. Từ đó cứ mỗi 2 năm, các cá nhân có quan tâm về chăn nuôi và thú y trên lợn khắp thế giới đều tụ họp tại hội nghị. Tính đến nay đã có 26 lần hội nghị, hội nghị lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Đức vào tháng 6/2024 này.
>> Giá heo hơi cán mốc 58.000 đồng/kg, khối ngoại gom lượng lớn cổ phiếu DBC của Dabaco
Đăng cai tổ chức hội nghị là một vinh dự cho một quốc gia trong “sân chơi” lớn của thế giới. Đó còn là sự công nhận về sự phát triển không chỉ về ngành chăn nuôi, thú y trên lợn mà còn là sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác của quốc gia đăng cai. Ngoài ra, với một số lượng lớn người tham dự từ khắp nơi trên thế giới. Ước tính riêng số đại biểu tham gia các hội thảo khoa học trong hội nghị sẽ là hơn 3.000 người.
Việt Nam có ngành chăn nuôi lợn phát triển qua nhiều năm với tổng số lợn hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Nhiều thế hệ các chuyên gia và người làm việc liên quan đến chăn nuôi, thú y lợn trong nước luôn mong muốn một ngày Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội nghị ý nghĩa này.
Ban Điều hành IPVS đã chấp thuận trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị IPVS lần thứ 28 vào năm 2026 tại TP. HCM, từ ngày 16-19/6/2026, với trường Đại học Nông lâm TP. HCM là đơn vị tổ chức chính. Đây là sự kiện quan trọng và là niềm vui, sự tự hào của cộng đồng chăn nuôi, thú y lợn tại Việt Nam. Hội nghị này hứa hẹn sẽ là nơi mang lại những thông tin bổ ích và cơ hội kết nối thành công cho các đơn vị, cá nhân liên quan trong ngành chăn nuôi lợn.
Đặc biệt, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành trên cả nước, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất vaccine quảng bá đến bạn bè quốc tế những sản phẩm của Việt Nam.
Tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành là NAVET-ASFVAC của Công ty thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam.
Việt Nam cũng sắp có loại vaccine thứ 3 là vaccine của Tập đoàn Dabaco. Vaccine DACOVAC-ASF2 của Dabaco là một trong 3 mã vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi được triển khai tại Việt Nam. Hiện, loại vaccine này đang trong giai đoạn thẩm định cuối cùng của cơ quan chức năng trước khi cấp giấy chứng nhận lưu hành.
Là nước đầu tiên nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi, giải thành công bài toán trăm năm của thế giới, Việt Nam đang được các nước quan tâm, mở ra thị trường tỷ đô cho các doanh nghiệp Việt.
>> Quốc gia thứ 28 châu Âu ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ bùng phát trở lại?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn