'Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của nền kinh tế thế giới'
Sáng ngày 17/9, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan đã tổ chức họp báo chương trình Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tại buổi họp báo, nói về bức tranh kinh tế của Việt nam những tháng đầu năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội nhìn nhận các cơ quan chức năng đã bám vào các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn.
Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2023 ghi nhận tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát khi chỉ tăng 3,1%, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang đối diện lạm phát cao. Bên cạnh đó, các cân đối lớn nền kinh tế như nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn trong tầm kiểm soát và dưới trần Quốc hội giao. Ngoài ra, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện khi năm ngoái Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN được Moody's nâng hạn tín nhiệm.
Ông Thanh cũng nhắc lại sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện là sự kiện rất quan trọng.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận bức tranh nền kinh tế vẫn có "gam màu xám" khi một số động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, dịch vụ…) tăng chậm lại và cần tháo gỡ. Cùng với đó, dù ngân hàng đang giảm lãi suất nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
"Song nhìn lại, kinh tế của chúng ta vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xám màu của nền kinh tế thế giới", ông Thanh nêu rõ.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển dự báo năm 2023 sẽ chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Một số chỉ tiêu dự báo không hoàn thành là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội GDP hay năng suất lao động.
Liên quan tới chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), tại kỳ họp hồi tháng 6, Quốc hội quyết nghị giảm 2% với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết năm 2023, trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Ông Vũ Hồng Thanh nói doanh nghiệp và người dân vẫn muốn kéo dài chính sách này thời gian tới. Nhưng cần sự đánh giá, tổng kết sau thời gian thực hiện để chỉ rõ tích cực, hạn chế.
"Sắp tới Chính phủ phải báo cáo tại kỳ họp cuối năm xem có cần kéo dài chính sách hay không. Theo ý kiến cá nhân tôi, chính sách kéo dài được sẽ kích thích tiêu dùng nội địa, kích thích tăng trưởng", ông Thanh nêu.
Năm 2022, việc giảm 2% thuế VAT giúp doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Về sửa thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nâng mức giảm trừ gia cảnh, ông Thanh cho hay, nhiều ý kiến nêu ra nhưng hiện Ủy ban Tài chính, ngân sách chưa nhận được tờ trình này. Do đó, trách nhiệm của Quốc hội phải đôn đốc.
Xem thêm tại cafef.vn