Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN

Ngày 10/9/2024, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách, cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho nỗ lực thúc đẩy dòng vốn xanh, nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chia sẻ, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.

Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính xanh giai đoạn 2021 - 2030, ngày 15/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, chia sẻ về các chính sách cụ thể về phát triển thị trường chứng khoán xanh, bà Nga cho biết, từ năm 2015 tới nay, thị trường chứng khoán xanh tại Việt Nam đã hình thành và phát triển, bao gồm cả cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tại Diễn đàn
TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tại Diễn đàn

Việc thiết lập khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh được thể hiện một số điểm như: Chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường được xây dựng và áp dụng cuối tháng 3/2017, HOSE công bố Chỉ số Phát triển bền vững (Việt Nam Sustainability Index - VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017.

Ban hành quy chế, hướng dẫn về công bố báo cáo quản trị rủi ro môi trường và xã hội (Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị (G)) đối với các doanh nghiệp niêm yết; Áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu về ESG để cho phép doanh nghiệp lên sàn (Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK). Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.

Hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu xanh tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, và các Nghị định quy định phát hành, đăng ký, lưu ký và niêm yết và giao dịch công cụ nợ. Chính sách phát triển trái phiếu xanh đã được thể hiện tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 ngày 29/12/2023 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

“Doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đang thể hiện mức độ cam kết cao đối với thực hiện cam kết ESG. Theo báo cáo của PWC (2024), tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của Việt Nam là 80%. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (58%) đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới”, bà Nga cho biết.

Trên thị trường vốn nợ, tại Việt Nam, tổng giá trị thị trường vốn nợ bền vững, mảng xanh, xã hội và bền vững (GSS, green, social and sustainability) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.

Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore, trong đó phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Hai giao dịch lớn nhất chiếm phần lớn tổng giá trị GSS của Việt Nam là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (Vinpearl) và khoản vay xanh 400 triệu USD của VinFast (giá trị tại thời điểm công bố giao dịch tháng 12/2021.

Vào tháng 7/2022, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực - EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,7%/năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - Công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn