Việt Nam sắp có ngân hàng sở hữu vốn chủ sở hữu đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng vốn chủ sở hữu của 27 ngân hàng trên thị trường chứng khoán vào cuối tháng 9 đạt gần 1,433 triệu tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng, tương đương 10,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận sự gia tăng về vốn chủ sở hữu trong 9 tháng đầu năm 2024.
Dẫn đầu hệ thống ngân hàng hiện nay là Vietcombank với mức vốn chủ sở hữu đạt 190.297 tỷ đồng, tăng 25.284 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Vietcombank có mức tăng quy mô vốn chủ sở hữu mạnh nhất hệ thống khi ngân hàng này là quán quân về lợi nhuận toàn ngành trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế 25.283 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Riêng quý 3, Vietcombank lãi sau thuế gần 8.600 tỷ đồng, tăng gần 18%.
Vietcombank liên tục dẫn đầu về quy mô vốn chủ toàn ngành ngân hàng nhờ khả năng tạo ra lợi nhuận tốt nhất hệ thống. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng không chia cổ tức tiền mặt trong những năm gần đây nhằm nâng cao nền tảng vốn, phục vụ hoạt động kinh doanh.
Với mức lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/quý và chiến lược không trả cổ tức tiền mặt, vốn chủ sở hữu của Vietcombank sẽ sớm chạm ngưỡng 200.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Đứng thứ hai toàn ngành về giá trị vốn chủ sở hữu là Techcombank với 144.368 tỷ đồng tại ngày 30/09/2024, tăng 12.752 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Chỉ sau Vietcombank, Techcombank là ngân hàng có quy mô lợi nhuận đứng thứ hai toàn hệ thống và dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng liên tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận kể từ khi lên sàn chứng khoán và chỉ mới bắt đầu trả cổ tức tiền mặt từ năm 2024. Điều này giúp cho vốn chủ sở hữu của Techcombank không ngừng mở rộng qua các năm và vượt cả hai ông lớn nhóm ngân hàng quốc doanh là VietinBank và BIDV.
Đứng sau Techcombank, VPBank hiện có vốn chủ sở hữu ở mức 142.240 tỷ đồng. Trong năm 2024, ngân hàng này đã chi hơn 7.900 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông khiên tốc độ tăng vốn chủ sở hữu chậm lại rõ rệt.
Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.
Trong 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng từ 125.872 tỷ đồng lên 140.986 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận sau thuế đạt được là 15.114 tỷ đồng. Cũng giống Vietcombank, VietinBank hiện không có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt và muốn giữ lại toàn bộ lợi nhuận nên vốn chủ sở hữu của ngân hàng này nhiêu khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Một ông lớn ngân hàng khác cũng lọt vào Top5 ngân hàng có vốn tự có lớn nhất sàn chứng khoán là BIDV . Tại thời điểm 30/9, vốn chủ sở hữu BIDV đạt 138.440 tỷ đồng, tăng 15.573 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
BIDV là một trong những ngân hàng trụ cột của hệ thống tài chính Việt Nam với quy mô tài sản đứng đầu toàn ngành. BIDV tập trung vào phát triển các dự án lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án liên quan đến năng lượng và giao thông, giúp ngân hàng này có được nguồn thu ổn định và dài hạn; qua đó duy trì được tăng trưởng lợi nhuận.
Ngoài ra, BIDV cũng chưa có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt và đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Nếu được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, vốn chủ sở hữu của BIDV sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tính đến cuối quý 3, vốn chủ sở hữu của MB đạt 110.023 tỷ đồng, gia tăng đáng kể so với mức 96.711 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đã chính thức vượt mốc 100.000 tỷ vào quý 2 dù đã chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%.
Ngoài các ngân hàng nêu trên, TOP10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất sàn chứng khoán còn có sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như: ACB (78.854 tỷ đồng), SHB (55.751 tỷ đồng), HDBank (53.584 tỷ đồng) và Sacombank (51.281 tỷ đồng).
Trong đó, HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng vốn chủ nhanh nhất trong TOP10 với 15,5%, tương đương tăng gần 7.184 tỷ đồng. Vốn chủ HDBank tiếp tục mở rộng mạnh mẽ dù ngân hàng đã chi hơn 2.900 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Nguyên nhân giúp HDBank đạt được kết quả trên là nhờ lợi nhuận tăng trưởng gần 47% trong 9 tháng đầu năm, đạt 12.655 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có vốn chủ sở hữu thấp nhất hệ thống hiện nay là PGBank (5.102 tỷ đồng), NCB (5.035 tỷ đồng) và Saigonbank (4.184 tỷ đồng). Đây cũng là những ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ nhất hệ thống.
Xét về tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu thì VietBank, LPBank và Nam A Bank là những nhà băng có tốc độ tăng nhanh nhất trong 9 tháng đầu năm. Đây cũng là những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống trong cùng thời gian trên. Trong khi đó, ABBank và NCB là hai ngân hàng ghi nhận vốn chủ sụt giảm so với cuối năm 2023.
Vốn chủ sở hữu không chỉ phản ánh sức khỏe tài chính mà còn cho thấy chiến lược phân phối lợi nhuận các ngân hàng. Nhìn chung, sự tăng trưởng ổn định của vốn chủ sở hữu cho thấy nỗ lực cải thiện nền tảng tài chính và khả năng chống chịu trước những biến động kinh tế của các ngân hàng. Đây là những nền tảng quan trọng giúp ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong những năm tới.
Xem thêm tại cafef.vn