Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ dệt may

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Các doanh nghiệp may mặc trong nước đã góp phần lớn vào kết quả này, thể hiện qua sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty như Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng 49%, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tăng 46%, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 30%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tăng 23%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex thông tin, ngành dệt may nói chung, Vinatex nói riêng trải qua năm 2024 với nhiều cung bậc. Trong nửa đầu năm, thị trường và đơn hàng, giá xuất khẩu vẫn trên nền thấp của năm 2023. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2024, tình hình khởi sắc trở lại, giúp ngành “thoát hiểm”, về đích với các chỉ tiêu tăng trưởng 11%.

“Giai đoạn nửa đầu năm, có lúc lãnh đạo Tập đoàn dự kiến khó có thể hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch, bởi thị trường kém khả quan. Đến 6 tháng cuối năm có sự đảo chiều bất ngờ, nhưng không phải do thị trường tốt lên đột xuất, mà do bất ổn chính trị ở một số thị trường đối thủ như Bangladesh, các nhà đặt hàng chuyển hướng đơn hàng và Việt Nam được ưu tiên lựa chọn. Nhờ đó, từ tháng 7/2024, đơn hàng tại doanh nghiệp dồi dào hơn”, ông Hiếu chia sẻ.

Thị trường khởi sắc rõ hơn trong giai đoạn nửa cuối năm đã giúp cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh của Vinatex. Qua đó, doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony nhận định, ngoài những tín hiệu khách quan từ thị trường, yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng là tích cực hoạt động mở rộng thị trường.

“Năm 2024, Dony ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ với con số tăng trưởng ấn tượng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số vượt kỳ vọng của chúng tôi, bởi cuối năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ 15%”, ông Quang Anh cho biết.

Có thể nói, trong rất nhiều biến động không mấy tích cực của tình hình thế giới, bất ổn địa chính trị, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều quốc gia… thì việc đạt được kết quả xuất khẩu này là cực kỳ ấn tượng.

Việc gia tăng đơn hàng và mức độ tăng trưởng đến từ đội ngũ nhân sự của Dony đã không ngừng “gieo hạt” ở nhiều thị trường trên toàn cầu giai đoạn 2022-2024. Cụ thể, hơn 20% tăng trưởng trong năm 2024 đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông và nội địa. Phần còn lại đến từ các thị trường mới khai phá như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga… Đồng thời, giữa năm 2024, Dony bắt đầu xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi và đã nhận được đơn hàng trong giai đoạn cuối năm.

Bước sang năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định vẫn có đà tăng trưởng tốt, tiếp nối nền móng của năm 2024. Không chỉ riêng yếu tố thị trường, mà chính năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được nâng lên với mục tiêu mang đến các đơn hàng giá tốt, nhưng vẫn giữ được chất lượng nhằm duy trì quan hệ hợp tác một cách bền vững. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa ứng dụng AI vào sản xuất ở lĩnh vực may mặc, Việt Thắng Jean đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản lý hệ thống phần mềm, lên mẫu…

Đánh giá về việc ứng dụng AI trong dây chuyền sản xuất, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean cho biết, ứng dụng AI trong dây chuyền sản xuất giảm được khoảng 50% công việc về quản lý số liệu, giảm khoảng 70% chi phí điều hành, đảm bảo sản phẩm đạt đúng số lượng và chất lượng, thông tin số liệu chính xác đến 99%.

Trước các xu hướng mới với các tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho hay, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất xanh, tạo ra tín chỉ carbon và sẵn sàng đạt mục tiêu Net zero trong năm nay.

Theo đó, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa (Long An) để tiến đến quy trình sản xuất xanh một cách nhanh chóng. Đặc biệt, ở khâu nhuộm, dệt, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm. Năm 2025, Trung Quy tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu ở EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Xem thêm tại baodautu.vn