Vietcombank, BIDV hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ sang năm 2025
Ngày 29/8, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã công bố báo cáo ngành ngân hàng với dự báo lợi nhuận của các ngân hàng mà MBS theo dõi trong năm 2024 sẽ tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, MBS kỳ vọng rằng hai ngân hàng lớn là Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động huy động vốn nào trong nửa cuối năm 2024.
Thực tế, Vietcombank đã quyết định tạm hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%, dự kiến trị giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2025.
Trước đó, ngân hàng này đã rút nội dung "Thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ" khỏi chương trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Kế hoạch phát hành này đã được ban lãnh đạo Vietcombank đề cập từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tương tự, BIDV cũng đã quyết định hoãn kế hoạch phát hành thêm 9% vốn điều lệ sang năm 2025. Theo MBS, việc định giá cho đợt phát hành này sẽ phụ thuộc vào giá thị trường tại thời điểm thực hiện.
Kế hoạch này được đề xuất từ hai năm trước, với dự kiến phát hành 455 triệu cổ phiếu, nhưng vẫn chưa thể triển khai do điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ hơn 57.000 tỷ đồng lên trên 70.600 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm 1,36 tỷ cổ phiếu. Trong đó, 1,19 tỷ cổ phiếu sẽ được sử dụng để trả cổ tức và gần 165 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành riêng lẻ, tương đương 2,89% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn phải lùi kế hoạch phát hành sang năm 2025, chờ đợi điều kiện thị trường thuận lợi hơn và sự quan tâm tích cực từ các nhà đầu tư.
Kế hoạch huy động vốn của các ngân hàng 2024, nguồn: MBS Research |
MBS còn nhận định, mặc dù biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2024 do lãi suất huy động thấp và nhu cầu tín dụng yếu, lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, như Vietcombank và BIDV, được kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng toàn ngành, nhờ vào chính sách giá linh hoạt và lợi thế về chi phí vốn (COF).
Các hoạt động thu ngoài lãi của nhóm này cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, góp phần tích cực vào tăng trưởng lợi nhuận.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn