Vietcombank đã có hơn 3 triệu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo đã có hơn 3 triệu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công. Khách hàng chủ yếu thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học online trên ứng dụng VCB Digibank theo phương thức “quét” NFC hoặc kết nối App-to-App với ứng dụng VNeID. Lượng khách hàng cập nhật thông tin tại quầy (điểm giao dịch ngân hàng) chiếm gần 4% tổng số khách hàng đã đăng ký.

Cũng theo thông tin từ ngân hàng, từ ngày 01/7/2024 đến nay, đã có hơn 4 triệu giao dịch được xác thực bằng sinh trắc học (Facepay) theo quy định, bao gồm các loại giao dịch như: Chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch; chuyển tiền trên 20 triệu đồng/ngày; thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ trên 100 triệu đồng/ngày; Kích hoạt lần đầu hoặc thay đổi điện thoại sử dụng VCB Digibank… Số lượng giao dịch được xác thực bằng Facepay chiếm khoảng 4% tổng số giao dịch tài chính xử lý trên VCB Digibank.

Vietcombank đã có hơn 3 triệu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công ảnh 1

Hình ảnh khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học trên ứng dụng VCB Digibank (Nguồn: Vietcombank).

Nói về kết quả nêu trên, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank, bà Đoàn Hồng Nhung đã chia sẻ thêm: “Mặc dù chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng chúng tôi đã có hơn 3 triệu khách hàng đăng ký sinh trắc học thành công và vẫn đang tăng nhanh, thuộc top đầu thị trường theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Điều này có được là do Vietcombank đã chủ động triển khai nhiều kênh, nhiều phương thức để khách hàng đăng ký bao gồm: đăng ký online sử dụng công nghệ “quét” NFC; Đăng ký online sử dụng kết nối App-to-App với Tài khoản định danh điện tử (VNeID); Và đăng ký tại gần 400 điểm giao dịch trên toàn quốc. Rất nhiều điểm giao dịch của Vietcombank đã làm việc ngoài giờ và làm thêm vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin”.

Trước đó, trong khuôn khổ “Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP về Định danh và xác thực điện tử”, Vietcombank và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) đã ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử”, giúp Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số. Với sự hợp tác này, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại có kết nối NFC như đã triển khai), giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học.

Vietcombank đã có hơn 3 triệu khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thành công ảnh 2

Hình ảnh Lễ ký kết “Dịch vụ xác thực điện tử” giữa đại diện Bộ Công an và Vietcombank (Nguồn: Vietcombank).

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 01/07/2024, các loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học (hiện nay là xác thực bằng thông tin khuôn mặt) bao gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản/chuyển tiền liên ngân hàng trong nước/nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; Chuyển tiền ra nước ngoài; Thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; Kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số.

Vietcombank khuyến khích khách hàng sớm cập nhật thông tin sinh trắc học để không bị gián đoạn giao dịch. Đồng thời, lưu ý khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng VCB Digibank hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo./.

Xem thêm tại tienphong.vn