Vietcombank họp bàn chốt thương vụ bán 6,5% vốn
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp đĐại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 là 19/7.
Nội dung dự kiến được thảo luận là thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của Vietcombank, bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị, ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng như sửa đổi một số nội dung trong điều lệ, quy chế.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT, phụ trách hoạt động của HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 cũng như kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
“Vietcombank hiện đang trong quá trình thu xếp để nhận sự tư vấn. Tùy điều kiện thị trường, ngân hàng sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này trong năm 2024 và phát hành thành công 6,5% cổ phần riêng lẻ có thể từ nay đến 2025 là hoàn thành”, ông Hùng chia sẻ tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra
Theo nguồn tin của Bloomberg, Vietcombank đã chọn Citigroup để dàn xếp thương vụ bán vốn với trị giá khoảng 1 tỷ USD. Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vietcombank đã thông qua phương án chia cổ tức toàn bộ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2023 là 24.987 tỷ đồng. Tuy nhiên phương thức chia không được công bố. Ban lãnh đạo ngân hàng thông báo cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước mới có thể thực hiện chia cổ tức.
Về định hướng chiến lược năm 2024, Vietcombank cho biết sẽ tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Theo đó, ngân hàng sẽ tài trợ 1 tỷ USD cho sân bay Long Thành, bên cạnh đó cũng sẽ thẩm định các dự án trọng điểm khác như dầu khí, khai thác, truyền dẫn, điện khí, hàng không, cảng biển, công nghiệp.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh rằng tập trung vào bán buôn chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh thị trường và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bị giảm sút. Chiến lược dài hạn vẫn là tập trung vào bán lẻ.
Bên cạnh đó, Vietcombank còn đang hoàn thiện phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, dự kiến được tiến hành trong năm 2024.
Lợi ích của việc nhận chuyển giao bao gồm được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, có nhiều lựa chọn đối với tổ chức chuyển giao bắt buộc như bán cổ phần, sáp nhập hoặc chuyển đổi, cải cách.
Về khoản nợ xấu có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác, Vietcombank cho biết ngân hàng đã hỗ trợ về kỹ thuật cho ngân hàng có thể chuyển giao (CBBank) từ năm 2015, cho vay 10.000 tỷ đồng vào năm 2022 và 6.000 tỷ đồng vào năm 2023.
Theo quy định, các khoản vay này được xếp vào nợ nhóm 5. Tuy nhiên, sau khi hoàn nhập trong quý I/2024, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại theleader.vn