VietinBank: Năm nay ngành ngân hàng vẫn chịu áp lực gia tăng nợ xấu
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam -VietinBank (Mã: CTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Tại Đại hội năm nay, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) VietinBank sẽ tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ mới 2024-2029.
Cụ thể, định hướng giai đoạn 2024-2029, VietinBank sẽ tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 9-10%/năm. Bên cạnh đó, mụctiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 16-18%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.
Riêng năm 2024, HĐQT trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%. "Hiện tại mức tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt năm 2024 là 14%. Cơ bản là chúng ta có thể đạt và vượt con số này", Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết.
Năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. |
Tại đại hội, ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.
Ông Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Trần Minh Bình cho biết tăng trưởng tín dụng hết quý I là 3,7% và tính đến hiện nay là 4,1%. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là hết sức bền vững và không có yếu tố kỹ thuật. Tốc độ tăng trưởng tương đối chắc chắn.
“Với kế hoạch và kết quả như vậy, chúng tôi cam kết năm nay sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5- 10%, bằng các biện pháp tăng thu ngoài lãi, kiểm soát chi phí. Kiểm soát làm sao có cơ câu huy động vốn hiệu quả nhất”, ông cho hay.
Về NIM, đại diện VietinBank cho biết ngân hàng cũng sẽ cố gắng giữ được như năm 2023 (đạt 2,9%) hoặc cải thiện. Ngân hàng cũng phấn đấu tăng trưởng CASA cao hơn. Đối với CIR (Chi phí hoạt động/ Tổng thu nhập hoạt động), do năm nay đầu tư chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh nên dự kiến tỷ lệ CIR có thể tăng so với năm ngoái lên 30%. Tuy nhiên đây vẫn là mức rất thấp trên thị trường.
Chia sẻ về các giải pháp để cải thiện NIM trong năm nay, thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng cho hay: Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do chúng ta đi trước các nền kinh tế khác về giảm lãi suất nên áp lực tỷ giá cũng cao hơn. Tuy nhiên, NHNN đã lập tức có những giải pháp để điều chỉnh như phát hành tín phiếu,... Cho đến nay tỷ giá có tăng nhưng trong tầm kiểm soát.
"Chúng tôi theo sát tình hình thị trường và có những giải pháp phù hợp với thị trường để giữ vững NIM. Trong quý I/2024, NIM tăng nhẹ từ 2,85% cuối năm 2023 lên 2,93% và mục tiêu năm 2024 là lên 3%", ông Tùng thông tin tới cổ đông.
Để duy trì NIM, ngân hàng nói chung và VietinBank vẫn phải dựa vào cho vay, quan trọng là tăng trưởng vào đâu và ở mức như thế nào.
Về chất lượng tín dụng, Thành viên HĐQT Nguyễn Thế Huân cho biết năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,13%. Nợ nhóm 2 là 1,55%. Năm 2024, ngân hàng sẽ kiểm soát nợ xấu dưới 1,8%, nợ nhóm 2 dưới 3%. VietinBank hết sức thận trọng khi nhận định về xu hướng nợ xấu.
Ông Huân nhận định năm nay ngành ngân hàng vẫn chịu áp lực gia tăng nợ xấu vì nền kinh tế còn nhiều điều khó dự báo, chịu tác động của kinh tế thế giới. Đặc biệt là ngành BĐS còn nhiều áp lực, do đó áp lực gia tăng nợ xấu năm 2024 là có. VietinBank cũng đã đề xuất cơ chế giãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng đến hết năm 2024 giúp cho ngành ngân hàng đối phó với nguy cơ nợ xấu gia tăng.
"Đồng thời, ngay từ tháng 1 ngân hàng có phân luồng nợ, khoản nợ có dấu hiệu chậm trả 9 ngày là chúng tôi đã phải quan tâm"
Về trích lập dự phòng sẽ dựa theo kịch bản chất lượng nợ, căn cứ theo chuẩn mực phân loại nợ và quan điểm tăng cường trích lập thận trọng nhất có thể.“Chúng tôi khá tự tin về chất lượng tín dụng hiện nay và dự kiến tăng cường trích lập để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên. Chúng tôi đánh giá, năm 2024 có thể còn khó khăn hơn 2023 và 2025 chưa biết thế nào, do đó cần phải thận trọng để khi có diễn biến khó khăn xảy ra thì chúng ta chủ động xử lý được”, ông Bình nói.
Với câu hỏi của cổ đông về đánh giá triển vọng các ngành nghề kinh doanh chính như BĐS, Xây dựng, điện, sản xuất, xuất nhập khẩu. Đối tượng khách hàng mà VietinBank hướng đến trong năm 2024?
Ông Trần Văn Tần cho hay ngành BĐS trong năm 2023 rất khó khăn, mặc dù có khả năng phục hồi vào cuối năm 2024 có thể sớm hơn thì có thể là quý III, tuy nhiên sự phục hồi giữa các phân khúc không đồng đều. Các phân khúc chung cư, đất nền mức giá phù hợp sẽ có độ phụ hồi cao hơn, các phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục còn khó khăn, phân khúc Khu Công nghiệp dự kiến phục hồi tốt, căn cứ vào sự phát triển các KCN ở miền Bắc.
Ngành điện có nhu cầu vốn lớn. Ngành nhiệt điện than, cầu lớn nhưng về dài hạn cần xem xét vì ảnh hưởng môi trường. Các mảng điện gió, điện mặt trời phát triển tốt nhưng hiện tại có vấn đề hạ tầng truyền tải, cơ chế chuyển tiếp. Chúng tôi cho rằng điện gió có nhiều khả quan hơn.
Xuất nhập khẩu là lĩnh vực tăng trưởng khá tốt trong đầu năm 2024 nhưng còn phụ thuộc vào nhiều biến số vì tình hình thế giới còn phức tạp và còn vấn đề về bảo hộ. Với các mặt hàng nông sản chúng tôi đánh giá sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt như rau quả, gạo. Nội thất, điện thoại,... dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024.
Một số ngành khó khăn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức như dệt may, thép. Trong khi đó, ngành vật liệu xây dựng: sự phát triển ngành này sẽ đồng hành với lĩnh vực BĐS. Sẽ có tăng trưởng khi triển khai các dự án lớn, đầu tư công như sân bay, bến cảng,...
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn