Vietjet và Castlelake thỏa thuận thu xếp tài chính mua Airbus; Chuyển giao quyền lực tại Hà Đô; Đồng Tâm Group lại muốn tăng vốn
Vietjet và Castlelake thỏa thuận thu xếp tài chính cho 4 máy bay Airbus
Hãng hàng không Vietjet và Castlelake - công ty quản lý đầu tư toàn cầu với gần 20 năm kinh nghiệm trong đầu tư, cho thuê và dịch vụ máy bay - đã trao thỏa thuận thu xếp tài chính cho 4 máy bay trị giá 560 triệu USD. Sự kiện diễn ra trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Ireland ngày 3/10.
Vietjet và Castlelake đã trao thỏa thuận thu xếp tài chính cho 4 máy bay trị giá 560 triệu USD. |
Theo đó, Castlelake sẽ cung cấp tài chính cho 4 máy bay A321neo mới, hiện đại trong đơn hàng máy bay đang có của Vietjet và Airbus. Các máy bay này sẽ được giao ngay trong năm 2024.
Giao dịch này là bước tiến tiếp theo sau thỏa thuận tài chính đã hoàn tất vào năm 2023 cho 3 máy bay Airbus A321neo. Đồng thời, hai bên cũng thiết lập nền tảng cho các hợp tác liên quan đến các thỏa thuận tài chính khác cho đội bay đang phát triển mạnh mẽ của Vietjet trong tương lai.
Vietjet đang khai thác đội máy bay hơn 100 chiếc, với những thế hệ máy bay tiên tiến, hiện đại, an toàn nhất thế giới như A320, A321ceo, A321neo - A321neo ACF, A330 bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Công ty Castlelake thành lập năm 2005 và đã tham gia cung cấp nguồn vốn theo những phương thức khác nhau vào hơn 650 máy bay thuộc nhiều loại khác nhau, có mối quan hệ với khoảng 200 hãng hàng không đến từ 60 quốc gia trên toàn cầu.
Cuộc chuyển giao quyền lực tại Hà Đô
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông chính thức chuyển sang vai trò Chủ tịch Sáng lập để tiếp tục hỗ trợ Hà Đô trong hoạt động kinh doanh, sau khi ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn Hà Đô ngày 3/10 đã thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Trọng Thông khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT.
ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn Hà Đô đã thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Trọng Thông khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT. |
ĐHĐCĐ bất thường của Hà Đô cũng thông qua các sửa đổi quan trọng đối với điều lệ như giới thiệu chức danh "Chủ tịch Sáng lập" cho phép ông Thông tiếp tục hỗ trợ cố vấn cho HĐQT và Ban lãnh đạo; Bổ sung mảng "đầu tư tài chính" vào hoạt động kinh doanh của Hà Đô; Mở rộng ứng viên cho vị trí người đại diện theo pháp luật bao gồm Chủ tịch, Tổng giám đốc, hoặc một cá nhân khác được chỉ định.
Ông Thông cho biết ông Lê Xuân Long, thành viên HĐQT đã công tác 25 năm qua, sẽ là tân Chủ tịch của Hà Đô. Hiện ông Long đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của CTCP Za Hưng (hoạt động trong lĩnh vực phát điện). Ông Long sở hữu bề dày kinh nghiệm trong quản lý dự án hạ tầng và năng lượng, có bằng Thạc sĩ Kỹ thuật của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội và bằng MBA của Đại học Griggs (Mỹ).
Ông Thông cũng cho biết ông Nguyễn Trọng Minh sẽ là Tổng giám đốc mới. Ông Minh trước đây là Phó Tổng giám đốc và có 13 năm kinh nghiệm tại Hà Đô. Ông có bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh của Đại học Hamline (Mỹ).
Coteccons và DIC Holdings đều bị loại khỏi gói thầu 522 tỷ đồng
Liên danh Coteccons và DIC Holdings không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm thi công gói thầu số 12 thuộc dự án ở TP. Vũng Tàu.
UBND TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra quyết định hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12 thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị công trình (trừ biểu tượng cá Ông và công trình điểm nhấn) thuộc dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu. Gói thầu này có giá trị hơn 522 tỷ đồng. Thông tin trên Báo Công thương.
Theo đó, gói thầu số 12 có sự góp mặt của nhà thầu CTD – South (liên danh CTCP Xây dựng Coteccons và CTCP Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam) và liên danh Thùy Vân (Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam và CTCP Xây dựng DIC Holdings) tham gia dự thầu. Chủ đầu tư là UBND TP. Vũng Tàu. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Vũng Tàu.
Theo báo cáo đánh giá E-HSMT, nhà thầu CTD - South không đạt yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm theo E-HSMT. Máy móc mà nhà thầu bố trí không đáp ứng yêu cầu, trong đó cần trục ô tô với sức nâng >= 10 tấn chỉ đáp ứng được 1/2 thiết bị (thiết bị 51C-087.88 đạt yêu cầu). Sau khi bên mời thầu yêu cầu làm rõ, nhà thầu đã đề xuất thay thế thiết bị, nhưng lại sử dụng lại thiết bị ban đầu 51C-087.88, gây trùng lặp.
Ngoài ra, CTD - South còn không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về vật liệu xây dựng, biện pháp thi công và lắp đặt thiết bị cho các hạng mục như đường Thùy Vân, công viên và phần kè biển.
Tham gia cùng CTD - South trong cuộc đấu thầu là liên danh Thùy Vân (gồm Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam và CTCP Xây dựng DIC Holdings - DC4). Tuy nhiên, liên danh này cũng bị đánh trượt gói thầu số 12 vì không đạt yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm như quy định trong E-HSMT. Cụ thể, hợp đồng số 40/2018/HĐXD ngày 23/11/2018 liên quan đến việc thi công Công viên Bà Rịa (giai đoạn 2) không đáp ứng được giá trị yêu cầu.
Tổ tư vấn đã yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh giá trị hoàn thành và nghiệm thu nhưng giá trị thực hiện chỉ đạt hơn 188,7 tỷ đồng, thấp hơn yêu cầu tại E-HSMT là 190 tỷ đồng. Vì vậy, nhà thầu không đáp ứng điều kiện hợp đồng tương tự.
Hơn nữa, Liên danh Đông Nam - DIC Holdings không đề xuất nhà thầu phụ đặc biệt theo yêu cầu E-HSMT và không có năng lực thực hiện phần công việc thuộc lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Điều này khiến hồ sơ dự thầu của họ bị đánh giá không đạt yêu cầu.
Lộc Trời đề nghị có biện pháp ngăn chặn với cựu CEO Nguyễn Duy Thuận
Lý do vì "hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản công ty.
Ngày 23/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành công văn số 4902/VPUBND-NC, cho biết đã nhận được công văn của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) về việc "đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc CTCP Lộc Trời vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đã có ý kiến chuyển công an tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề nghị của Lộc Trời
Trước đó, ngày 24/7/2024, Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm ho ãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Lộc Trời cho biết, ông Thuận “có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm”.
Trả lời văn bản, UBND cho biết không có thẩm quyền giải quyết việc thu hồi thẻ APEC.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang chỉ có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận trong trường hợp ông này là người bị cưỡng chế, hoặc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn. Do đó, đề nghị này không nằm trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Tập đoàn Lộc Trời đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7/2024. Trước khi bị miễn nhiệm ông có hơn 4 năm ở vị trí CEO Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, tạm thời điều hành hoạt động của doanh nghiệp cho tới khi bổ nhiệm CEO mới.
Ra mắt Aloo - mạng viễn thông MVNO đầu tiên tại Nhật dành riêng cho người Việt
MVNO, hay còn gọi là nhà mạng di động ảo, là một mô hình cho phép các công ty không sở hữu hạ tầng mạng vẫn có thể cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách thuê lại băng thông từ các nhà mạng lớn như Docomo.
Đội ngũ Rikai Technology. |
Với sản phẩm Aloo, Rikai Technology có thể trở thành một mảnh ghép quan trọng đang bị bỏ ngỏ ở thị trường viễn thông của Nhật Bản.
Điểm mạnh của Aloo nằm ở tính linh hoạt và sự đơn giản trong quy trình đăng ký. Khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng Aloo, tự đăng ký thông tin cá nhân và nhận eSIM ngay trên điện thoại.
Với hệ thống thanh toán tích hợp tại 300.000 điểm giao dịch trên toàn nước Nhật, người dùng có thể thanh toán bằng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi mà không cần tài khoản ngân hàng, một điểm đặc biệt hữu ích cho những người mới sang Nhật và chưa thiết lập tài khoản ngân hàng.
Điều khiến Aloo trở nên nổi bật trên thị trường không chỉ nằm ở việc cung cấp dịch vụ viễn thông mà còn là tinh thần phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, chuẩn Nhật nhưng do chính doanh nghiệp Việt Nam vận hành. Điều này đã tạo ra một sự khác biệt lớn so với các đối thủ trong nước, khi Aloo hướng đến việc phục vụ khách hàng như những khách hàng thực sự chứ không đơn thuần chỉ là những lao động xa xứ.
Theo kế hoạch, Aloo kỳ vọng có 10 nghìn người dùng trong năm tới. Xa hơn, Aloo đặt mục tiêu phục vụ hơn 600 nghìn người Việt tại Nhật và trong tương lai sẽ mở rộng sang các cộng đồng nước ngoài khác ở xứ sở mặt trời mọc.
Rikai Technology, là một doanh nghiệp của người Việt trên đất Nhật bản, chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm gia công. Ông Hải Bằng từng là cựu quản lý của Tập đoàn FPT. Cuối 2018, ông đã quyết định nghỉ việc và tự mở công ty riêng Rikai, bắt đầu với lĩnh vực gia công phần mềm. Sau 5 năm, Rikai hiện có văn phòng chính thức ở Nhật, Hà Nội và Đà Nẵng với quy mô 200 nhân sự, doanh thu trung bình 6 triệu USD/năm, tương đương tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 30%.
Đức Long Gia Lai bán doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại công ty con là Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited có trụ sở tại British Virgin Islands (Anh) cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven. Giá trị chuyển nhượng là 255 tỷ đồng.
Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, nhà máy đặt tại TP. Đông Quảng (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40.000m2 (5 tầng), tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Sau gần một thập kỷ sở hữu Công ty sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thoái toàn bộ vốn tại công ty con này nhằm cấu trúc lại khoản đầu tư.
Tập đoàn Alpha Seven không phải cái tên quá xa lạ khi đây từng là công ty con của DLG. Từ điểm xuất phát là kinh doanh dịch vụ bến xe bãi đỗ, hiện tại Alpha Seven đang hoạt động đa ngành trên các lĩnh vực chính gồm: dịch vụ bến xe – bãi đỗ; đầu tư năng lượng tái tạo; đầu tư bất động sản; sản xuất linh kiện điện tử.
Alpha Seven hiện có 2 công ty con là CTCP Điện mặt trời DLG Ninh Thuận với vốn điều lệ 210 tỷ đồng (Alpha Seven nắm 50%) chuyên đầu tư, xây dựng các công trình năng lượng tái tạo và Công ty TNHH Điện tử DLG Ansen với vốn điều lệ 80 tỷ đồng (Alpha Seven nắm 100%) chuyên sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng.
Đồng Tâm Group lại muốn tăng vốn, lần này lên gần 1.500 tỷ đồng
CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) tiếp tục muốn tăng vốn điều lệ lên gần 1.500 tỷ đồng. Đây là phương án nằm trong văn kiện ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Đồng Tâm Group, doanh nghiệp do ông Võ Quốc Thắng làm Chủ tịch.
Cảng quốc tế Long An là dự án trọng điểm với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng của Đồng Tâm Group. |
Theo văn kiện ĐHĐCĐ, Đồng Tâm Group trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 995,6 tỷ đồng lên hơn 1.493 tỷ đồng dưới hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% (2:1).
Cụ thể, Công ty chào bán gần 49,8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/ cổ phần, tương ứng số tiền dự thu gần 747 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn. Cổ phần chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian triển khai do HĐQT quyết định.
Trước đó, cuối tháng 8/2023, Đồng Tâm Group đã nâng vốn điều lệ lên 995,6 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn đầu tiên của Đồng Tâm Group sau 15 năm.
Đồng Tâm là một thương hiệu lâu năm trong ngành vật liệu xây dựng gắn với tên tuổi của bầu Thắng. Tập đoàn hiện sở hữu 16 công ty thành viên, trải dài trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; kinh doanh bất động sản; giáo dục; dịch vụ; thương mại... với nhiều dự án.
Trong đó, cảng quốc tế Long An là dự án trọng điểm với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2024. Hiện, CTCP Cảng Long An là đơn vị thành viên có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 1.125 tỷ đồng, trong đó Đồng Tâm nắm 45% vốn.
Xem thêm tại baodautu.vn