Vietnam Airlines (HVN): Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán HVN) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. BCTC được kiểm toán bởi Công ty TNHH kiểm toán KPMG.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Đáng chú ý nhất của Vietnam Airlines trên BCTC năm 2023 là ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán. Kiểm toán viên lưu ý người đọc 2 vấn đề chính, trong đó chủ yếu nhất là các yếu tố dẫn tới nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
- Nợ ngắn hạn của Tổng công ty và các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 46.287 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines đến 31/12/2023 đạt 14.884 tỷ đồng; trong khi đó nợ ngắn hạn 61.171 tỷ đồng.
- Tổng công ty còn có các khoản phải trả đã quá hạn với số tiền 13.743 tỷ đồng.
- Ngoài ra Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng.
Năm 2023 Vietnam Airlines lỗ 5.631 tỷ đồng – năm lỗ thứ 4 liên tiếp. Kiểm toán viên cho rằng khả năng hoạt động liên tục phụ thuộc vào khả năng phục hồi hoạt động SXKD sau Covid-19 và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng và các nhà cung cấp và bên cho thuê cũng như khả năng thành công của dự án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét.
Những điều kiện này, cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty và các công ty
Lỗ thêm trăm tỷ sau kiểm toán
Về kết quả kinh doanh, số liệu trên BCTC kiểm toán và số liệu theo BCTC công ty tự lập có một số điều chỉnh.
Về doanh thu, BCTC kiểm toán ghi nhận doanh thu thuần đạt 91.540 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước đó và điều chỉnh tăng 82 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Tuy vậy chi phí giá vốn bỏ ra được điều chỉnh tăng mạnh hơn, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 3.885 tỷ đồng, điều chỉnh giảm 55 tỷ đồng so với số trước đó.
Một chỉ tiêu khác được điều chỉnh mạnh là chi phí tài chính 4.405 tỷ đồng - điều chỉnh tăng 78 tỷ đồng so với số liệu trước đó. Lãi từ các công ty liên doanh liên kết cũng bị điều chỉnh giảm bớt 19 tỷ đồng.
Đây là những nguyên nhân chính khiến tổng kết cả năm Vietnam Airilnes lỗ 5.631 tỷ đồng - giảm một nửa so với số lố 11.223 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2023. Số lỗ này bị điều chỉnh tăng 115 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập.
Với số lỗ năm thứ 4 liên tiếp, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế 41.057 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng.
Phục hồi dần hoạt động kinh doanh sau đại dịch, Vietnam Airlines cũng đã gia tăng số nhân viên. Tính đến 31/12/2023 Vietnam Airlines có 21.130 nhân viên, tăng thêm 561 nhân viên so với thời điểm đầu năm.
Số nhân viên của Vietnam Airlines đã quay trở về mức trước dịch, tuy vậy kết quả kinh doanh vẫn còn lỗ nặng.
Kinh doanh khó khăn, Vietnam Airlines cũng đang “mắc” phải những khoản nợ xấu chưa thể đòi. Tổng nợ xấu đến hết năm 2023 hơn 508 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty đã phải trích lập dự phòng 333 tỷ đồng, những khoản có khả năng thu hồi chỉ khoảng 175 tỷ đồng.
Trong năm 2023 Vietnam Airlines cũng ghi nhận hoạt động phải bán bớt máy bay và thuê lại, Giá trị tài sản cố định hữu hình là máy bay, động cơ máy bay giảm đi 590 tỷ đồng. Về tài sản là máy bay, động cơ máy bay, trong năm công ty cũng đã chuyển từ tài sản cố định thuê tài chính sang tài sản cố định hữu hình, trị giá 3.525 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết đến cuối năm 2023 tổng công ty đang thuê tài chính 21 máy bay; theo hợp đồng, đến cuối giai đoạn của từng hợp đồng, Tổng công ty có quyền chọn mua lại những máy bay này.
Về nợ vay, tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đến hết năm 2023 lên đến 17.561 tỷ đồng. Vietnam Airlines cho biết khả năng trả nợ phụ thuộc và tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng…
Chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Vietnam Airlines là Vietcombank với 2.394 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 2.923 tỷ đồng nợ dài hạn; SeABank (2.380 tỷ đồng ngắn hạn); tiếp đó là MSB (1.915 tỷ đồng ngắn hạn)…
Xem thêm tại nguoiquansat.vn