Vietnam Airlines nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán 13.351 tỷ đồng

Vietnam Airlines nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán 13.351 tỷ đồng- Ảnh 1.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024.

Báo cáo cho biết, tại ngày 30/6/2024, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines và các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 40.787 tỷ đồng (giảm 5.500 tỷ đồng so với 1/1/2024).

Bên cạnh đó, nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán của Vietnam Airlines và các công ty con là 13.351 tỷ đồng (giảm 392 tỷ đồng so với 1/1/2024). Đồng thời, vốn chủ sở hữu là -11.633 tỷ đồng (đầu năm là -17.026 tỷ đồng).

Theo kiểm toán KPMG, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán 13.351 tỷ đồng- Ảnh 2.

Theo Vietnam Airlines, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Tổng công ty thường xuyên đánh giá các ảnh hưởng và triển khai các giải pháp đối phó với các khó khăn về tình hình tài chính để Tổng công ty và các công ty con có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục. Vietnam Airlines đã thực hiện 3 giải pháp.

Thứ nhất, quản lý hoạt động. Với các diễn biến tích cực của ngành hàng không, Vietnam Airlines đã vận chuyển khoảng 7,96 triệu hành khách nội địa và 3,63 triệu khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2024, tương đương 88,84% và 123,05% so với sản lượng cùng kỳ 2023 (6 tháng 2023 sản lượng 8,96 triệu hành khách nội địa và 2,95 triệu khách quốc tế). Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều biện pháp để sử dụng đội tàu bay hiệu quả, tiết giảm chi phí...

Thứ hai, nguồn vốn hoạt động. Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến ngày 30/6/2024, tổng hạn mức tín dụng mà Vietnam Airlines và các công ty con đã ký với các ngân hàng thương mại là 29.800 tỷ đồng (1/1/2024 là 25.400 tỷ đồng). Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có nguồn vốn vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ SeABank, MSB và SHB theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước.

Trong kỳ, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà Vietnam Airlines và các công ty con đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, Vietnam Airlines cũng đã đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng...) hoặc giãn, hoãn lịch thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay...)

Liên quan đến khoản nợ quá hạn nhà cung cấp với số tiền 13.351 tỷ đồng, Vietnam Airlines cho biết đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính để thanh toán. Mặt khác, Vietnam Airlines cũng đang tiếp tục đàm phán và kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác trong việc giảm và giãn hoãn thời hạn thanh toán đối với các khoản nợ quá hạn.

Thứ ba, đề án tái cơ cấu lại Tổng công ty. Vietnam Airlines đã hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan liên quan, đồng thời cũng đang trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét phê duyệt các đề án này.

Xem thêm tại cafef.vn