Vietourist Holdings “phiêu lưu” với đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
Đại lý du lịch là mảng kinh doanh chính của Vietourist Holdings |
Chốt vay mua khách sạn hàng trăm tỷ đồng
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường giữa tháng 2/2024 của Công ty cổ phần Vietourist Holdings (mã VTD, sàn UPCoM) đã thống nhất phương án đầu tư “khủng” vào Khách sạn Iris Cần Thơ tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Tòa khách sạn trên mảnh đất rộng 723 m2 đã đi vào hoạt động này dự kiến được Công ty mua vào với giá 254 tỷ đồng.
Hàng trăm tỷ đồng là con số lớn, nếu so với quy mô tài sản của doanh nghiệp lữ hành này. Tổng tài sản đến cuối năm 2023 đạt hơn 221 tỷ đồng. Chưa kể, nguồn vốn để đầu tư sẽ được lấy toàn bộ từ vốn vay (200 tỷ đồng từ tín dụng ngân hàng và 54 tỷ đồng từ các nhà đầu tư khác).
Tính đến ngày 31/12/2023, Vietourist Holdings huy động hơn 45 tỷ đồng từ nguồn vay ngân hàng, chiếm hơn 20,3% nguồn vốn. Tính cả các nguồn vay nợ khác, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp chưa đến 33%. Dù đã triển khai một đợt tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 10/2022, nhưng quy mô vốn điều lệ của hãng lữ hành này mới chỉ đạt 120 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu xấp xỉ 150 tỷ đồng.
Với quyết định đầu tư vào tài sản với giá trị lớn gấp hơn 2 lần vốn điều lệ, gánh nặng nợ vay và chi phí tài chính trong tương lai sẽ đe dọa trực tiếp lên lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là với hoạt động chỉ mang về “lãi mỏng” như mảng đại lý du lịch mà Vietourist Holdings đang kinh doanh chính.
Năm 2023, Công ty thu về 167 tỷ đồng doanh thu, giảm 3,5% so với năm 2022 chủ yếu do giảm nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Trong khi các chi phí đầu vào tăng, lãi ròng chỉ bằng chưa đến 20% cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng, chỉ hoàn thành chưa đến 1/10 mục tiêu đề ra. Với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 30 tỷ đồng, kế hoạch trả cổ tức 5%, tương đương chi trả 6 tỷ đồng, vẫn đủ nguồn để thực hiện, nhưng có thể còn cần cân nhắc nếu ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư.
Từ doanh nghiệp lữ hành đến tham vọng kinh doanh nghỉ dưỡng
Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng giám đốc Vietourist Holdings cho biết, việc thử nghiệm các tour miền Tây trong năm 2023 cho phản hồi tốt, trong đó tuyến miền Tây 4 ngày 3 đêm đạt lượng khách khả quan và cho thấy còn tiềm năng. “Đây là cơ sở để Công ty quyết định đầu tư dịch vụ lưu trú và ăn uống để kiểm soát chi phí đảm bảo mức cạnh tranh”, ông Hiếu nói.
Du lịch vốn là mảng cốt lõi của Vietourist Holdings trong gần 13 năm hoạt động. Dù cùng hướng đến khai thác thị trường du lịch, hai mảng hoạt động đại lý du lịch và đầu tư/ kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng có sự khác biệt rất lớn, đặc biệt là trong yêu cầu về quy mô vốn.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hãng lữ hành này trình cổ đông kế hoạch lấn sân đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Ở thời điểm hiện tại, Công ty đã chi gần 11 tỷ đồng để đặt cọc giữ chỗ mua 5 căn khách sạn nhỏ tại Dự án Khu đầu tư - Du lịch Quốc tế Regal Legend Quảng Bình. Ngoài phần đặt cọc, số tiền cần bổ sung để hoàn tất mua là 50 tỷ đồng.
Trước đó, Vietourist Holdings còn có tham vọng mua lại Công viên Văn hóa Đồng Xanh (13 ha) và Khách sạn Tre Xanh thuộc tài sản của Công ty Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (mã CTC) - là công ty liên kết do Vietourist Holdings sở hữu 22,6% vốn. Vietourist Holdings cũng đã thuê kinh doanh khách sạn này các năm qua.
Là tài sản đảm bảo đang bị ngân hàng siết nợ, Khách sạn Tre Xanh của “đại gia” Tây Nguyên đến nay đã được đấu giá tới lần thứ 3 với giá khởi điểm hơn 80,66 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh thua lỗ của Hoàng Kim Tây Nguyên đang khiến cổ phiếu CTC lao dốc.
Không chỉ giá trị thị trường của khoản đầu tư mà Vietourist Holdings góp vốn “bốc hơi” 87%, việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư cũng kéo tăng đáng kể chi phí của Công ty năm qua. Sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ quá lớn là phương án đầy rủi ro, mà bài học rõ ràng và gần nhất ngay ở chính công ty liên kết của Vietourist Holdings.
Xem thêm tại baodautu.vn