Viettel Global đặt kế hoạch lợi nhuận cao kỷ lục, cổ phiếu lên đỉnh lịch sử
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra chiều 5/6.
Theo dự báo của các tổ chức kinh tế uy tín, tăng trưởng GDP tại các thị trường Viettel đầu tư đều khởi sắc ở mức cao so với tăng trưởng năm 2023 do đa phần các quốc gia Viettel đầu tư thiên về xuất khẩu các sản phẩm cơ bản, thiết yêu (các sản phâm nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng...).
Viettel Global cho biết lạm phát có xu hướng ổn định trở lại so với năm 2023, tuy nhiên tỷ giá dự báo vẫn tiếp tục tăng, là nguyên nhân chính gây sụt giảm lợi nhuận quy đổi chuyển về Việt Nam.
Về bối cảnh thị trường viễn thông và công nghệ, dịch vụ viễn thông truyền thống dự kiến mức tăng trưởng tương đương với năm 2023 (3%), khi mức độ thâm nhập viễn thông cũng như 4G tại nhiều quốc gia bắt đầu đạt đến ngưỡng.
Năm nay, tổng công ty lên kế hoạch tổng doanh thu 31.700 tỷ đồng, tương đương năm 2023 còn lợi nhuận trước thuế 5.400 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023.
Viettel Global cho hay lợi nhuận tăng 41% chủ yếu do lợi nhuận trước thuế kế hoạch 2024 của các thị trường Viettel Global đầu tư tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng tại công ty mẹ.
Cụ thể, Natcom dự báo tăng 231 tỷ đồng xấp xỉ 18%, Halotel giảm lỗ 392 tỷ đồng, Metfone tăng 139 tỷ đồng tức khoảng 7%, Movitel _E tăng 105 tỷ đồng xấp xỉ 40%, công ty mẹ tăng 1.260 tỷ đồng chủ yếu do giảm trích lập dự phòng và giảm lãi chênh lệch tỷ giá so với năm 2023.
Mục tiêu thuê bao viễn thông tăng trưởng tối thiểu 2 triệu thuê bao còn tăng trưởng 6 triệu thuê bao số.
Viettel Global cũng lên kế hoạch duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số. Tăng trưởng viễn thông truyền thống trên 10%, dịch vụ ngoài từ 20 - 30%.
Doanh nghiệp nhận định di động 4G vẫn đang là xu thế và trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia đang phát triển. Tại các thị trường Viettel Global đầu tư, chỉ Metfone và Mytel có tỷ lệ thuê bao 4G/Thuê bao thực trên 90%; các thị trường còn lại vẫn còn dư địa phát triển 4G như: Telemor (73%); Unitel (67%); Natcom (64%), đặc biệt tại các thị trường Châu Phi đang trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ 4G: Movitel (31%), Halotel (26%); Lumitel (20%).
Ở dịch vụ cố định băng rộng dự báo tốc độ tăng trưởng thuê bao FTTH vẫn cao hơn di động. Khu vực châu Phi tỷ trọng FTTH mới ở mức 12% có tốc độ tăng trưởng FTTH dự báo trên 30%, châu Mỹ Latinh dù tỷ trọng FTTH đạt trên 50% nhưng vẫn có mức tăng trưởng dự kiến trên 10% nhờ xu hướng chuyển đổi từ cáp đồng trục sang FTTH.
Với dịch vụ số và giải pháp B2B được dự báo tăng trưởng 15%, trong đó dịch vụ điện toán đám mây công cộng tăng trưởng 16%; IoT tăng trưởng 18%; Trí tuệ nhân tạo và máy học tăng trưởng 27%.
Doanh nghiệp cho hay các thị trường Viettel Global đầu tư tỷ trọng doanh thu còn thấp. Đây là cơ hội để các thị trường tận dụng lợi thế hạ tầng viễn thông; tăng cường hợp tác với các đối tác (trong và ngoài Tập đoàn Viettel) để đa dạng hóa dịch vụ.
Đồng thời chuẩn bị sẵn các điều kiện về hạ tầng/hành lang pháp lý để triển khai kinh doanh các dịch vụ giải pháp Công nghệ thông tin: Data center, Cloud, An ninh mạng ....
Về thuê bao ví điện tử Viettel Global nhìn nhận thanh toán qua ví điện tử sẽ chiếm 54% tổng khối lượng thanh toán trên các sàn thương mại điện từ toàn cầu; 36% đối với các điểm bán hàng trong năm 2024; công nghệ thanh toán qua QR code sẽ là hình thức phổ biến toàn cầu.
Đối với 5 thị trường có quy mô trên 1 triệu thuê bao (Metfone: 1,1 triệu thuê bao; Mytel: 2,8 triệu thuê bao; Lumitel: 2 triệu thuê bao; Halotel: 2,9 triệu thuê bao; Movitel: 5 triệu thuê bao) sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dịch vụ trên ví để gia tăng hiệu quả/thuê bao. Các thị trường còn lại tỷ lệ thuê bao ví còn thấp sẽ đẩy mạnh phát triển thuê bao.
Đề xuất không chia cổ tức 2023
Về phương án phân phối lợi nhuận, Viettel Global đề xuất không trích các quỹ và không chia cổ tức năm 2023.
Doanh nghiệp giải trình năm 2023, công ty mẹ đo tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư và nợ phải thu lớn dẫn tới bị lỗ nên không có nguồn lợi nhuận để trích lập các quỹ.
Theo điểm b khoản 2 điều 135 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lồ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Còn theo điểm đ khoản 1 Điều 74 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp quy định công ty mẹ được phân phối lợi nhuận cho chủ sở hữu không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất.
Cuối 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất âm 3.377 tỷ đồng nên HĐQT đề xuất không thực hiện chia cổ tức cho năm 2023.
Lợi nhuận lũy kế giữ lại của công ty mẹ 5.377 tỷ đồng sẽ được sử dụng vào các mục đích phù hợp với nhu cầu vốn đầu tư và lợi ích cổ đông. Đây chính là nguồn lực từ nguồn vốn chủ sở hữu nhằm đảm bảo thanh khoản cho Viettel Global trong dài hạn, đồng thời tăng năng lực tài chính, báo cáo của doanh nghiệp nêu.
Chốt phiên 16/5, cổ phiếu VGI tiếp tục tăng 7,4% lên mốc đỉnh lịch sử là 81.100 đồng/cp, ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu VGI đã tăng gần gấp 3 lần. Vốn hoá thị trường đạt 246.853 tỷ đồng, đứng thứ ba về vốn hoá trên sàn chứng khoán sau hai ông lớn ngân hàng là VCB và BID.
Xem thêm tại vietnambiz.vn