Viettel Post (VTP) 'rót' triệu USD mở công ty tại Trung Quốc, cổ phiếu lập tức tăng kịch trần, vốn hóa đạt kỷ lục

Ngày 14/1, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, HoSE: VTP) đã thông qua nghị quyết đầu tư ra nước ngoài và thành lập công ty mới tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo đó, Viettel Post dự kiến đầu tư 1,37 triệu USD bằng tiền mặt (gần 34 tỷ đồng) để thành lập Công ty TNHH Logistics và Thương mại Viettel Post (Quảng Tây). Công ty này sẽ cung cấp các dịch vụ quan trọng như chuyển phát quốc tế, vận tải, kho bãi, hải quan và thương mại trực tuyến.

Việc mở rộng hoạt động sang thị trường Trung Quốc đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược phát triển của Viettel Post. Trước đó, vào tháng 4/2024, Viettel Post đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với đoàn công tác từ Nam Ninh, Quảng Tây, về việc nghiên cứu đầu tư trung tâm logistics tại đây.

Tổng Giám đốc Viettel Post Hoàng Trung Thành nhấn mạnh rằng kết nối với Quảng Tây là trọng điểm trong chiến lược logistics của tập đoàn, giúp mở ra cơ hội giao thương lớn hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Viettel Post (VTP) 'rót' triệu USD mở công ty tại Trung Quốc, cổ phiếu lập tức tăng kịch trần, vốn hóa đạt kỷ lục
Cổ phiếu Viettel Post (VTP) tăng kịch trần sau thông tin mở công ty tại Trung Quốc

Ngay sau khi thông tin được công bố, trong phiên giao dịch ngày 16/1, cổ phiếu VTP bật tăng kịch trần, đạt 159.600 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất trong lịch sử, đưa vốn hóa Viettel Post lập kỷ lục với hơn 19.400 tỷ đồng.

Không chỉ thành lập công ty tại Trung Quốc, trước đó ngày 11/12/2024, Viettel Post đã khai trương Công viên Logistics Viettel ngay tại Lạng Sơn, cửa ngõ với Trung Quốc. Đây dự án quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng logistics quốc gia với diện tích 143,7ha với tổng vốn đầu tư lên tới 3.300 tỷ đồng.

Với quy mô hạ tầng lớn và hiện đại, Công viên Logistics Viettel được kỳ vọng thúc đẩy giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc, khẳng định vị thế Việt Nam như một trung tâm logistics chiến lược của Đông Nam Á.

Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; Trung tâm logistics nông sản; Trung tâm logistics trong khu công nghiệp; Hạ tầng chuỗi cung ứng; Mạng lưới vận tải đa phương thức. Từ đó tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực

Xem thêm tại nguoiquansat.vn